Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Hội An chọn phía Đông Bắc Cù lao Chàm gồm khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá,... nằm trong khu bảo tồn biển Cù lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.
Ngoài việc bảo tồn nguyên vị, quy hoạch phân vùng biển tự nhiên cho rùa biển về và lên bãi cát sinh đẻ, Hội An sẽ lập trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, tại Cù lao Chàm cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển. Cụ thể, sẽ thực hiện chuyển dời ít nhất 10 tổ trứng rùa trong 1 năm (trứng có độ tuổi từ 20-30 ngày ấp tự nhiên) từ Vườn quốc gia Côn Đảo về tổ chức quản lý, ấp nở và thả rùa con về biển tại Cù lao Chàm. Nhiệm vụ này thực hiện trong 3 năm, mỗi năm 1 đợt vào tháng 6 hoặc tháng 7, tổng số trứng di dời khoảng 3.000 trứng.
Với chủ trương này, thành phố Hội An đặt mục tiêu hướng đến xây dựng khu bảo tồn biển Cù lao Chàm trở thành một trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung Việt Nam, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển của Việt Nam từ nay đến 2020 cũng như các cam kết quốc tế về bảo tồn rùa biển mà Việt Nam là thành viên. Qua đó, tạo ra tiềm năng du lịch biển, thúc đẩy phát triển ngành du lịch dịch vụ Hội An, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương phát triển kinh tế.
Được biết, trước đây, vùng biển Cù lao Chàm là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển vì có các hệ sinh thái san hô, cỏ biển và 9 bãi cát ven đảo. Các năm qua, ngư dân đã trao cho ban quản lý khu bảo tồn biển Cù lao Chàm 12 cá thể rùa biển chết thu được trong quá trình đánh bắt hải sản. Thành phố Hội An cũng đã thả 14 cá thể rùa biển sống xuống vùng biển Cù lao Chàm để rùa biển tiếp tục phát triển, sinh đẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận