Nằm trong một dự án quốc tế do tổ chức phi lợi nhuận CyArk (Hoa Kỳ) hợp tác với công ty Seagate chuyên về giải pháp dữ liệu thực hiện, Lăng Tự Đức và Cung An Định trong Quần thể di tích Huế sẽ là hai di tích đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bảo tồn bằng công nghệ kỹ thuật số.
Dự án vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ tháng 6-2018 với sự hợp tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế.
Bảo tồn bằng công nghệ 3D và thực tế ảo
Quần thể Di tích Huế đã chịu ảnh hưởng của chiến tranh, sự phát triển của cuộc sống hiện đại và việc mở rộng khu vực định cư của con người. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và thiên tai như lũ lụt cũng là những khó khăn cho với việc quản lý di sản lâu dài.
Di tích Huế được CyArk lựa chọn như một phần trong chương trình bảo tồn kỹ thuật số quốc tế của tổ chức này. Thông qua các cuộc khảo sát trên không được tiến hành với máy bay không người lái drone, quét laze mặt đất (được gọi là LiDAR) và quan trắc, tất cả các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường của hai di tích Lăng Tự Đức và cung An Định sẽ được các chuyên gia của CyArk chuyển đổi thành các mô hình 3D ảnh thực.
CyArk sẽ tạo ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc để hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn di tích Huế nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục các di tích Huế cũng như việc quản lý di sản.
Chuyên gia Christopher Dang của CyArk đang dùng máy bay không người lái drone chụp ảnh di tích cố đô Huế để chuyển thành dữ liệu kỹ thuật số - Ảnh: THANH HÀ
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Huế cho biết: "Sản phẩm cuối cùng trong dự án của CyArk, bao gồm tất cả các bức ảnh được chụp bằng máy bay drone, LiDAR... và đoạn phim giới thiệu về Lăng Tự Đức và Cung An Định sẽ được lưu trữ và xử lý cho các công việc về kiến trúc, hỗ trợ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi các di tích này".
Theo các chuyên gia của CyArk, trung bình mỗi tuần một tetrabyte dữ liệu của các di tích sẽ được ghi lại và lưu trữ vào những thiết bị lưu trữ có dung lượng lớn của Seagate. Công ty công nghệ này đã cam kết hỗ trợ CyArk ở cả hiện trường và tại văn phòng với các giải pháp lưu trữ dữ liệu như ổ cứng, thậm chí có dung lượng lên tới 10TB và hiệu năng cao.
Các thiết bị này đảm bảo rằng các tệp dữ liệu chụp 3D khổng lồ từ hiện trường được sao lưu an toàn, tập trung và sẵn sàng cho xử lý để tạo ra các bản đồ và bản vẽ kiến trúc chi tiết hỗ trợ quá trình bảo tồn các di sản.
Các chuyên gia của CyArk dùng kỹ thuật quét laze mặt đất (LiDAR) lưu lại hình ảnh Cung An Định và lưu trữ vào các thiết bị của Seagate để xử lý tạo ra các mô hình 3D và bản vẽ kiến trúc - Ảnh- T.HÀ
Đặc biệt, CyArk sẽ sử dụng các dữ liệu này để tạo ra những trải nghiệm thực tế ảo (VR) tương tác thú vị cho khách du lịch trong và ngoài nước, các học giả, phục vụ nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu của các nhà trường, viện bảo tàng…
Đồng thời, theo ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đây cũng sẽ là nguồn tư liệu giúp bảo tồn thiết kế và kiến trúc của các cấu trúc và công trình cổ xưa của Huế đang phải đối mặt với sự tàn phá của thời gian.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn cố đô Huế cùng mong muốn công nghệ kỹ thuật số và lưu trữ dữ liệu cũng sẽ giúp quảng bá hình ảnh di sản văn hóa của Huế ra thế giới.
Đánh thức niềm yêu thích với di sản của giới trẻ
Kể từ năm 2003, CyArk đã tích lũy các lưu trữ kỹ thuật số công nghệ cao của hơn 200 di sản tại 40 quốc gia, bao gồm Wat Phra Si San Phet ở Thái Lan, Angkor Wat ở Campuchia, Bagan ở Myanmar và Nhà hát Opera Sydney ở Úc…
"Lăng Tự Đức là một thắng cảnh quan trọng trong tổ hợp các di tích Huế ở Việt Nam và mang ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với người Việt" - CEO John Ristevski của CyArk chia sẻ - "Chúng tôi rất vui mừng khi có thể bảo tồn kỹ thuật số kho tàng văn hóa đích thực này để đảm bảo rằng ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản có thể được gìn giữ cho những thế hệ mai sau."
Dữ liệu di tích đang được xử lý bằng công nghệ kỹ thuật số - Ảnh; T.HÀ
"Năm 2017, chúng tôi đã trao Giải thưởng Khoa học Dữ liệu Ptolemy cho CyArk để ghi nhận thành tựu xuất sắc của họ trong việc làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Năm nay, chúng tôi tiếp tục hợp tác cho dự án đầu tiên của họ tại Việt Nam và tham gia vào hành trình bảo tồn văn hóa quan trọng này vì chúng tôi tin vào giá trị mà dữ liệu có thể mang lại cho cả hiện tại và tương lai.
Bằng việc sử dụng công nghệ của Seagate, CyArk có thể lưu trữ, bảo vệ và xử lý dữ liệu mà họ thu thập một cách an toàn, hỗ trợ nhiều hơn nữa về mọi khả năng cho các thế hệ tương lai."- Ông Robert Yang, Phó chủ tịch Kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương của công ty Seagate Technology cho biết.
Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, "hiệu quả của dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình 3D, tuyên truyền quảng bá về các giá trị văn hóa Huế, mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại để phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc với người dân. Đặc biệt là lớp trẻ, những người đang bước vào lứa tuổi trưởng thành, đánh thức niềm yêu thích và ý thức bảo vệ di sản văn hóa dân tộc của giới trẻ".
Chuyển giao công nghệ cho người Việt
Dữ liệu thực địa của di tích Cung An Định đang được các chuyên gia xử lý để tạo ra mô hình 3D
Ông Phan Văn Tuấn cho biết, song song với việc thực hiện số hóa hai di sản Lăng Tự Đức và Cung An Định, CyArk kết hợp hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho một số cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhằm cung cấp thông tin về những phần mềm ứng dụng, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, kỹ năng chụp quan trắc, quét bề mặt kiến trúc… đáp ứng mục tiêu số hóa và lưu trữ dữ liệu các công trình kiến trúc phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, trùng tu di tích Huế bằng công nghệ số hóa ngày một khoa học và chuyên nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận