Tòa nhà hình chữ U của (59-61 Lý Tự Trọng, nay là trụ sở của Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương) nhìn từ trên cao - Ảnh: T.T.D.
Xung quanh câu chuyện TP.HCM nên giữ lại hay đập bỏ dinh Thượng Thơ, có thể thấy nhiều người đang coi việc bảo tồn di sản cản bước phát triển. Nhưng vì sao thế giới đang coi bảo tồn là một tài sản kinh tế cực kỳ quan trọng?
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với TS Martin Rama - giám đốc khu vực Nam Á của Ngân hàng Thế giới, cũng là giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
TS Martin Rama từng giữ vai trò là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong tám năm. Ông luôn dành cho Việt Nam một sự quan tâm đặc biệt.
* Thưa ông, nhiều người nghĩ rằng bảo tồn luôn mâu thuẫn với phát triển. Họ cho rằng phát triển đô thị cần phải hi sinh di sản để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế. Là một nhà kinh tế, ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Đây là một câu hỏi khó vì không có một câu trả lời đơn nhất. Xin cho phép tôi lùi lại một bước trước khi cố gắng giải thích tại sao những người nghĩ rằng việc bảo tồn mâu thuẫn với sự phát triển đều đúng... và sai!
Là một nhà kinh tế, tôi sẽ lập luận rằng các thành phố là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thành phố kết nối mọi người bởi công việc, chúng khích lệ chuyên môn hóa trong sản xuất và cho phép trao đổi thông tin, ý tưởng. Tất cả điều này đều đạt mức độ không thể tưởng tượng được ở các vùng nông thôn.
Nhưng những loại thành phố nào giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo thời gian?
Đối với các nước thu nhập thấp và trung bình, ưu tiên chính là có các đô thị chức năng. Để kết nối mọi người và công việc, điều quan trọng là giảm thời gian đi lại và giảm thiểu tắc nghẽn. Để thúc đẩy chuyên môn hóa, các doanh nghiệp cần phải hoạt động gần nhau, nhờ vậy họ có thể chia sẻ các dịch vụ hỗ trợ và tìm thấy các kỹ năng lao động phù hợp.
Ở mức độ thấp của phát triển, bảo tồn lịch sử có vẻ quá tốn kém. Đất đai là cần thiết cho các tòa nhà và đường sá, và việc giữ gìn các tòa nhà cũ với mật độ xây dựng thấp có thể bị coi là một sự lãng phí. Vì vậy, nếu nhìn từ quan điểm này thì câu trả lời là có, bảo tồn xung đột với sự phát triển.
Tuy nhiên, nhiều thành phố trong số các thành phố ở những đất nước có thu nhập cao là một điểm hội tụ cho sáng tạo chứ không chỉ là cho sản xuất. Các thành phố lớn nhất trên thế giới là những thành phố thu hút tài năng hàng đầu: các doanh nhân lớn, nhà nghiên cứu đầy sáng tạo, nghệ sĩ nổi tiếng...
Những người này thường rất kỹ tính, tinh tế trong chọn lựa vì họ có nhu cầu cao. Và họ không thật quan tâm đến các đô thị chức năng: họ muốn sống ở những thành phố thú vị, ở những đô thị có tính cách.
Họ tìm kiếm một khung cảnh văn hóa rực rỡ, những bảo tàng hấp dẫn, kiến trúc đẹp... Vậy nên ở nấc thang phát triển cao này, bảo tồn lại chính là một tài sản kinh tế cực kỳ quan trọng.
“Nếu TP.HCM nghiêm túc về việc bảo tồn thương hiệu của mình như là một thành phố thanh lịch và mang tầm quốc tế, với những tiếp xúc châu Âu tinh tế bên cạnh nét châu Á sống động, thì rõ ràng là thành phố nên có ý định bảo vệ 20 hay 30 kiến trúc thuộc địa với tầm vóc như của dinh Thượng Thơ. Chúng đủ điều kiện để được xếp vào danh sách di tích cần được bảo vệ. Đó là một quyết định rất quan trọng đối với “thương hiệu” của thành phố
MARTIN RAMA
* Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, có nên "hi sinh" di sản và sự đặc sắc của đô thị để phát triển kinh tế?
- Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam là liệu các bạn có khao khát trở thành một đất nước có thu nhập trung bình hay là một quốc gia có thu nhập cao. Nếu chỉ dừng lại ở khát vọng là một đất nước có thu nhập trung bình, việc "hi sinh" di sản và sự đặc sắc của đô thị là tốt.
Đây là lựa chọn mà nhiều thành phố ở các nước Đông Á đã thực hiện trong cuộc chạy đua vội vã để tăng mật độ dân số và cải thiện giao thông vận tải.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam nghiêm túc với khát vọng trở thành một nước có thu nhập cao thì việc bảo tồn là một phần của "sự khác biệt sản phẩm" giúp mang đến sức hấp dẫn. Sự giàu có về di sản ở các thành phố chính của Việt Nam và cá tính của các đô thị càng mạnh thì các tài năng hàng đầu sẽ đổ xô tới.
Nhìn theo cách này thì có thể nói cả hai lựa chọn đều đúng. Nhưng vấn đề là một số lựa chọn khi đã thực hiện thì không thể đảo ngược. Khi sự đặc sắc của đô thị đã biến mất, không thể phục hồi được nữa.
* Nhưng với một thành phố trẻ trung và năng động như TP.HCM, nhiều người nghĩ rằng nên ưu tiên cho hiện đại hơn là xây dựng một đô thị có tính cách. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Tính năng động của TP.HCM là phi thường, và tôi cũng đồng ý rằng thành phố vẫn sẽ hấp dẫn ngay cả khi di tích lịch sử của nó đã hoàn toàn mất đi. Nhưng tôi cũng tin rằng TP.HCM sẽ còn hấp dẫn hơn nữa nếu bảo vệ được sự đặc sắc của mình.
TP.HCM từng được gọi là "Paris của phương Đông". Đây là một thương hiệu tuyệt vời. Nếu bạn nghĩ về thành phố như là các công ty, cạnh tranh để giành thị phần trong nền kinh tế toàn cầu, bạn sẽ coi đây là một thương hiệu rất có giá trị.
Không một "ông chủ" thành phố nhạy cảm nào lại muốn hi sinh thương hiệu đó cho một lợi ích ngắn hạn.
Phần lõi của TP.HCM có các tòa nhà kiểu Pháp tuyệt đẹp và những con đường rợp bóng cây vô cùng quyến rũ. Ví dụ như tòa nhà Bưu điện thành phố với cấu trúc kim loại nhẹ, là một trong những di sản ấn tượng nhất của kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam.
Quận 3, với các biệt thự của Pháp và các tòa nhà công vụ thuộc địa, có thể trở nên giá trị như khu phố Pháp ở Thượng Hải.
Vấn đề là TP.HCM giờ đây là một thành phố rất lớn, lớn hơn nhiều so với thời thuộc địa. Với sự tăng trưởng phi thường của nó, ngày nay không có nhiều tòa nhà Pháp xinh đẹp. Việc bảo toàn thương hiệu "Paris của phương Đông" sẽ đòi hỏi phải chú ý giữ gìn đến từng di sản kiến trúc này.
* KTS LÊ THÀNH VINH (nguyên viện trưởng Viện Bảo tồn di tích):
Đừng đối xử thô bạo với giá trị của lịch sử
Di sản đô thị được tạo ra bởi những nhân tố gắn với quá trình lịch sử, những kiến trúc đặc trưng cho từng giai đoạn phát triển, những thành phần đã ổn định của cấu trúc và không gian đô thị, những dấu tích và cảnh quan đã gắn bó và ăn sâu vào tâm thức cộng đồng cư dân và cả những du khách viếng thăm thành phố. Tòa nhà dinh Thượng Thơ có đầy đủ các yếu tố này dù chưa được công nhận là di tích.
Trong thực tế, hiện có vô vàn công trình và các thành phần đô thị khác rất có giá trị về văn hóa, lịch sử nhưng không có trong danh sách xếp hạng di tích bởi còn đang xếp hàng.
Và có những công trình người ta không xếp hạng di tích bởi không muốn chúng bị "đóng băng" trong danh hiệu, khó khăn trong việc cải tạo, nâng cấp khi hư hỏng.
Dinh Thượng Thơ cần được bảo tồn để giữ "hồn" của thành phố có tuổi đời chưa cao này. Việc phá bỏ dinh Thượng Thơ để xây mới trước hết là sự lãng phí của cải xã hội bởi tòa nhà vẫn còn có công năng sử dụng tốt, sau đó là sự đối xử thô bạo, thiếu tính nhân văn với những giá trị lịch sử, văn hóa, những yếu tố cấu thành di sản đô thị mà nếu mất đi thì thành phố sẽ dần bị xóa bỏ ký ức, đứt gãy gốc rễ và phai mờ bản sắc.
T.ĐIỂU ghi
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận