Dự báo hướng di chuyển của bão Tembin
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến 13 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão Tembin ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 240km về phía Đông.
Đến Côn Đảo vào rạng sáng 26-12
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 01 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên phía Nam Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 12.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h.
Vị trí bão Tembin lúc 13 giờ ngày 25-12 và dự báo đường đi cơn bão
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương dự báo đến 13 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm vẫn rất rộng
Từ chiều 25-12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12.
Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9.
Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - trưởng phòng số viễn thám Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết bão Tembin có đi lệch về phía Nam một chút nhưng phạm vi ảnh hưởng và vùng nguy hiểm vẫn rất rộng, gần như không thay đổi.
Cụ thể, vùng ảnh hưởng của bão vẫn tiếp tục duy trì như trước với các tỉnh ven biển miền Tây.
Ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương - cho rằng vị trí tâm bão hiện nay có lệch xuống phía Nam một chút. Vì vậy, vùng tâm bão sẽ đi xuống phía dưới Cà Mau. Tuy nhiên, vùng gió mạnh vẫn tồn tại ở phía Bắc và phía Tây của cơn bão là chính, phía Nam ở ngoài biển thì ít hơn.
Số người chết ở Philippines tăng lên 240
Người dân ở Salvador, Lanao del Norte, miền nam Philippines, bật khóc khi nơi họ sống bị bão lũ quét tan hoang - Ảnh: REUTERS
Đến chiều nay 25-12, số người chết do bão Tembin ở Philippines đã tăng lên 240 người. Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức cho biết họ vẫn đang tìm kiếm hơn 100 người mất tích.
Khoảng 13.000 hộ gia đình tại Mindanao, ít nhất 52.000 người, đã phải đón Giáng sinh trong các trại sơ tán. Nhiều người đã vội vàng chạy bão mà không kịp đem theo thứ gì.
4 ngày căng thẳng với bão Tembin
Sáng 21-12: Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông mạnh lên thành bão Tembin.
Tối 21-12: Bão Tembin di chuyển nhanh về hướng Biển Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12.
Sáng 22-12: Tâm bão Tembin ở trên khu vực miền nam Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 13.
Tối 22-12: Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng họp đột xuất bàn biện pháp ứng phó bão, sẵn sàng sơ tán 40.000 dân ứng phó với bão số 16.
Sáng 23-12: Tâm bão cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 330km, sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100kmh), giật cấp 13. Hơn 200 người chết do bão Tembin.
Chiều 23-12: Khu vực nhà giàn DK1 sóng lớn cấp 8, gió giật mạnh, tầm nhìn hạn chế. Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thông báo nâng cấp báo động, duy trì nghiêm ngặt chế độ trực sẵn sàng chiến đấu 24/24.
Tối 23-12: Tâm bão Tembin ở vào khoảng 7,7 độ vĩ Bắc, 117,6 độ kinh Đông, sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (90-115km/h), giật cấp 14.
Rạng sáng 24-12: Bão Tembin còn cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 340km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 14.
Chiều 24-12: Tại đảo Đá Tây có mưa, sức gió cấp 8-9. Ngư dân nơi tâm bão các đảo Trường Sa được di dời khẩn cấp.
Tối 24-12: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương, chỉ đạo nếu cần thiết thì đóng giàn khoan để đảm bảo an toàn.
Tối 24-12: UBND TP.HCM đã có công điện cho phép học sinh trên toàn TP nghỉ học từ 12h trưa 25-12 đến hết ngày 26-12. Riêng học sinh ở huyện Cần Giờ nghỉ từ 6h sáng 25-12.
23h đêm 24-12: Ông Lê Thanh Hải, phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cảnh báo: "Chuẩn bị tinh thần đón bão mạnh như Linda 1997".
Rạng sáng 25-12, bão quần thảo trên đảo Huyền Trân và các nhà giàn DK với cường độ gió mạnh cấp 11-12, giật 13-14.
Ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cảnh báo bão Tembin sẽ vào bờ với cấp rủi ro cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận