21/12/2015 07:27 GMT+7

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo trưng bày 200 cổ vật

PHAN THÀNH - VIỆT HÙNG (phanthanh@tuoitre.com.vn)
PHAN THÀNH - VIỆT HÙNG ([email protected])

TT - Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam sẽ khánh thành ngày 24-12 ở Đà Nẵng.

Hơn 500 hiện vật, trong đó có 200 cổ vật đã được giám định sẽ được trưng bày trong không gian Bảo tàng Văn hóa Phật giáo - Ảnh: P.Thành
Hơn 500 hiện vật, trong đó có 200 cổ vật đã được giám định sẽ được trưng bày trong không gian Bảo tàng Văn hóa Phật giáo - Ảnh: P.Thành

Việc thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại Đà Nẵng là việc làm cần thiết, bởi đó là một loại hình giới thiệu về văn hóa của Việt Nam gắn chặt với dân tộc

TS NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN (ủy viên hội đồng giám định cổ vật Bộ VH-TT&DL)

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo có diện tích khoảng 700m2, đặt tại tầng 2 của ngũ giác đài Sen Ngọc nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm (48 Sư Vạn Hạnh, Q.Ngũ Hành Sơn).

Là một trong những người được vào không gian này trước khi mở cửa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những cổ vật lần đầu tiên được đem ra trưng bày bao gồm nhiều bộ tượng Phật, tranh tượng, pháp khí đủ chất liệu như gỗ, đồng, đá, ngọc, gốm...; nổi bật có bộ tám tượng Phật Mật Tông, nhiều tượng Phật thời Champa với đa dạng hình dáng, bức tranh Đức Phật nhập niết bàn...

Trước mắt, bảo tàng sẽ trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Theo thượng tọa Thích Huệ Vinh - trụ trì chùa Quán Thế Âm, để có thể thành lập được một bảo tàng như ngày hôm nay, ba đời nhà chùa phải cất công đi sưu tầm hiện vật khắp nơi trên cả nước.

Ngoài ra, nhiều Phật tử khi nghe tin cũng đã đem hiện vật mình có được đến hiến tặng, và xem đó là “cơ duyên” để góp phần hình thành nên bảo tàng. Trong số 500 hiện vật được trưng bày, có 200 cổ vật được giám định mang nhiều nét văn hóa điêu khắc khác lạ.

“Bảo tàng hội đủ nhiều bộ linh tượng cổ như Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, Di Lặc, bộ Phật Bồ Tát Mật Tông, Champa, Quán Âm và nhiều bộ pháp khí đặc biệt có tuổi đời gần là 100 năm và xa nhất là 7 thế kỷ” - thượng tọa Thích Huệ Vinh cho hay.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết trước đó vào năm 2013 trong dịp triển lãm về văn hóa Phật giáo đã tình cờ phát hiện “kho báu” với hàng trăm hiện vật, cổ vật được gìn giữ cẩn thận tại chùa Quán Thế Âm.

Không lâu sau, Bảo tàng Đà Nẵng cử cán bộ trực tiếp sang để tìm hiểu, nghiên cứu. Nhiều cán bộ khá bất ngờ bởi số lượng hiện vật, cổ vật độc đáo, quý hiếm được nhiều đời nhà chùa sưu tập.

“Ý định hình thành bảo tàng được ra đời từ đó. Chúng tôi đã mời các nhà giám định cổ vật có tiếng ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bộ VH-TT&DL vào để trực tiếp giám định. Họ đánh giá cao về giá trị của từng pho tượng, ý nghĩa lịch sử, niên đại và những câu chuyện liên quan” - ông Thiện kể lại.

Đến cuối năm 2014, UBND TP Đà Nẵng đồng ý với kế hoạch xây dựng Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Đà Nẵng và duy nhất của Việt Nam vào thời điểm hiện tại để đưa cổ vật đến gần hơn với công chúng.

TS Nguyễn Đình Chiến - nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên hội đồng giám định cổ vật Bộ VH-TT&DL, người từng trực tiếp giám định một số cổ vật Phật giáo ở bảo tàng này - cho rằng 200 trong số 500 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng là cổ vật nguyên gốc.

Theo TS Chiến, việc đánh giá niên đại của các hiện vật sẽ tiếp tục được tiến hành trong thời gian tới, tuy nhiên ở thời điểm này có thể khẳng định bảo tàng đã phản ánh phong phú diện mạo loại hình tượng Phật trong các ngôi chùa Việt. “Giá trị quý hiện đã được thể hiện trên một số pho tượng trưng bày tại bảo tàng” - TS Chiến nói.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, việc ra đời của bảo tàng còn góp phần tạo một điểm đến du lịch tâm linh nằm trong cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Tượng Bồ Tát cưỡi rồng một sừng hiếm thấy  từng được Nhật Bản mượn về đúc  để tặng các chùa      - Ảnh: P.TH.
Tượng Bồ Tát cưỡi rồng một sừng hiếm thấy từng được Nhật Bản mượn về đúc để tặng các chùa - Ảnh: P.TH.

Hai pho tượng quý hiếm

Trong số các cổ vật, không thể không kể đến hai pho tượng quý hiếm lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng. Đó là tượng Quan Âm tống tử bằng chất liệu bạch ngọc và tượng Bồ Tát cưỡi rồng được đúc bằng đồng. Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể rằng pho tượng Quan Âm tống tử được một người dân tìm thấy dưới một giếng cổ ở Huế và hiến tặng cho nhà chùa.

Pho tượng Bồ Tát cưỡi rồng cũng được một người dân đào được, mang tặng chùa. Pho tượng này từng được một thượng nghị sĩ ở Nhật Bản mượn về để tạc theo mẫu, tặng cho các chùa cầu an lành sau trận động đất, sóng thần 2011.

Tượng cao 50cm, nặng khoảng 7kg, thể hiện cảnh Bồ Tát cầm trên tay một viên ngọc Định Hải Châu chế ngự con rồng một sừng đang gây sóng dữ.

PHAN THÀNH - VIỆT HÙNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp