Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham quan triển lãm ảnh “Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu” ngay tại sân trường - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Giờ ra chơi ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), học sinh tập trung về khuôn viên nơi có hàng chục bức ảnh được bố trí ngay ngắn trên kệ.
Khi thuyết minh viên chỉ về những bức ảnh chụp Đà Nẵng trước năm 1997 - lúc bấy giờ Đà Nẵng chỉ có diện tích nhỏ hẹp với quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần quận Sơn Trà với vỏn vẹn hai cây cầu, ánh mắt học sinh ai nấy đều tỏ vẻ ngạc nhiên.
Đa số các em chưa từng hình dung chỉ sau 25 năm mà thành phố nơi mình đang sống lại có sự chuyển mình đáng kinh ngạc như thế.
"Nhiều học sinh rất ít khi hoặc có thể chưa từng chủ động đến bảo tàng, nay triển lãm đưa nhiều tranh ảnh tư liệu với những câu chuyện hay và thú vị đến tận sân trường, giúp chúng em dễ hình dung hơn về câu chuyện chuyển mình của thành phố thông qua sự chuyển mình của những cây cầu" - em Bùi Quang Minh nói.
Thầy Lê Vinh - hiệu trưởng nhà trường - nhìn nhận việc Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm lưu động tại trường là một kênh giáo dục trải nghiệm cho học sinh và cán bộ nhân viên nhà trường.
Không chỉ các trường khu vực trung tâm thành phố, chuyến xe lưu động của các bảo tàng đang ngược lên những ngôi trường xa xôi hơn ở các xã vùng núi thuộc huyện Hòa Vang hay về các vùng ven biển Thọ Quang, Sơn Trà.
Tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), vào những ngày cuối tháng 4, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã đưa hơn 40 bức tranh chủ đề "Ký họa chiến trường Khu 5" đến triển lãm ngay giữa sân trường.
Bài học lịch sử về cuộc sống khó khăn, gian khổ nhưng anh hùng của quân và dân ta trong thời chiến bỗng dưng được tái hiện sống động và chân thực qua những bức ký họa kháng chiến.
Cùng với các bảo tàng, Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng phối hợp với các trường học và Đoàn thanh niên để chở những chuyến xe mang theo tư liệu quý về biển đảo Hoàng Sa đến giữa sân trường. Chưa bao giờ việc học lịch sử lại khiến học trò thích thú như thế.
Không chỉ tổ chức triển lãm, những bảo tàng tiên phong như Bảo tàng Đà Nẵng đã nhiều năm nay phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo giáo dục lịch sử thông qua việc tổ chức các chương trình ngoại khóa như "Em yêu lịch sử", "Ngược dòng ký ức"... với những trò chơi vận động để học sinh hứng thú tìm hiểu lịch sử hơn, cho học sinh có cơ hội trải nghiệm, tham quan và xem phim về lịch sử...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận