24/08/2023 16:24 GMT+7

Bảo tàng Phụ nữ tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen

Sự kiện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen đã trở thành buổi ôn lại kỷ niệm xúc động của các nhân chứng về nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen - Ảnh: T.ĐIỂU

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen - Ảnh: T.ĐIỂU

Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam đã trao tặng bức tranh đặc biệt này ngày 24-8, đúng dịp tưởng nhớ 31 năm ngày mất của bà Nguyễn Thị Định (26-8-1992 - 26-8-2023).

Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập chủ đề Sen trong đời sống văn hóa Việt của kỷ lục gia châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm, do nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện.

Tại sự kiện, những đại biểu, nhân chứng đã cùng nhau ôn lại, sẻ chia những kỷ niệm xúc động về người nữ tướng tài ba, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người con ưu tú của quê hương Đồng Khởi Bến Tre, cố chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nữ tướng chăm lo cho phụ nữ tới hơi thở cuối cùng

Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước - kể chính dì Ba Định (cách bà Mỹ Hoa gọi thân mật bà Nguyễn Thị Định) đã kéo bà chuyển công tác từ TP.HCM ra Hà Nội, một quyết định khó khăn với bà lúc đó.

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ về dì Ba Định - Ảnh: T.ĐIỂU

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ về dì Ba Định - Ảnh: T.ĐIỂU

Lúc đó con gái lớn của bà Mỹ Hoa mới 10 tuổi, con gái nhỏ 4 tuổi, vợ chồng bao năm hoạt động cách mạng, tù tội, mới hưởng hạnh phúc sum vầy chưa bao lâu, nên nghĩ đến cảnh vợ chồng con cái lại xa cách nữa thì bà Mỹ Hoa "có chút chạnh lòng".

Nên quyết định bỏ con nhỏ ở lại miền Nam để ra Bắc nhận nhiệm vụ ở Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam mà bà Định lúc đó đang làm chủ tịch hội là một quyết định khó khăn với bà Mỹ Hoa. Nhiều người đều khuyên bà Mỹ Hoa không nên đi.

Nhưng chỉ vì câu nói rủ rỉ, nhẹ nhàng của dì Ba Định: "Sự nghiệp giải phóng phụ nữ này chắc phải phụ nữ gánh vác, không thể để đàn ông làm được…", mà bà Hoa đã quyết định "phải đi thôi".

"Dì Ba không nói gì cao xa, lớn lao, dì chỉ nói công việc này chắc phải phụ nữ làm thôi và khuyên tôi suy nghĩ chấp nhận trọng trách. Vậy là tôi quyết định theo dì", bà Mỹ Hoa nói.

Bà Mỹ Hoa gắn bó 12 năm với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, làm phó cho chủ tịch hội Nguyễn Thị Định, rồi kế tục bà Định làm chủ tịch hội nên dì cháu có sự gắn bó rất sâu sắc.

Khi bà Ba Định mất, bà Mỹ Hoa còn nhớ trên bàn làm việc của bà Định có lá thư khiếu nại của một phụ nữ cầu cứu bà Định. "Đến giờ phút cuối cùng dì Ba vẫn chăm lo cho chị em phụ nữ", bà Mỹ Hoa xúc động nói.

Tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

Tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU

"Mẹ đẻ" của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bà Đặng Thị Tố Ngân - người được bà Ba Định cử làm giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khi nó vừa được thành lập - cũng chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động kể về vai trò thành lập Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam của bà Nguyễn Thị Định.

Là chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà Định đau đáu với việc thành lập một bảo tàng về phụ nữ Việt Nam. Bà đã đứng ra xin với Đảng, Nhà nước cho phép xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bà đã chỉ thị cho hội phụ nữ các cấp đóng góp tài liệu hiện vật, tài chính cho bảo tàng, đi khắp nơi, cả trong và ngoài nước, bà đều dùng uy tín của mình để kêu gọi đóng góp cho bảo tàng.

Cơ ngơi hơn 200m2 tại phố 36 Lý Thường Kiệt của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ngày nay cũng nhờ bà Định lo liệu. Bà đã thỏa thuận với một gia đình nhường lại cho khu đất với ngôi biệt thự ở đây để xây bảo tàng. Lúc đó bà đã đổi bằng biệt thự số 11A Điện Biên Phủ và 4 căn hộ cao cấp.

Bà Nguyễn Thị Định tại căn cứ Xa Mát, Tây Ninh, năm 1968 - Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Định tại căn cứ Xa Mát, Tây Ninh, năm 1968 - Ảnh tư liệu

Quan tâm tới kiến trúc của bảo tàng, bà Định cũng cử bà Ngân vào TP.HCM gặp kiến trúc sư Ngô Viết Thụ mời thiết kế cho bảo tàng. Nhưng vì tuổi cao, ông Thụ đã tiến cử con trai là kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thay mình.

Rất nhiều hiện vật quý mà bảo tàng có được cũng là nhờ bà Định vận động hiến tặng được nhờ uy tín của bà.

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre, mất ngày 26-8-1992. Bà và chồng là ông Nguyễn Văn Bích đều tham gia cách mạng từ sớm, trước Cách mạng Tháng Tám.

Tên tuổi bà gắn với phong trào Đồng Khởi và sự ra đời Đội quân tóc dài. Năm 1974, bà trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi được phong hàm thiếu tướng.

Sau 1975, bà là ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, đồng thời giữ nhiều chức vụ như thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Bà được đánh giá là có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới toàn diện Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là đổi mới hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.

Ngày 30-8-1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát động thi viết 'Văn bia nữ tướng Nguyễn Thị Định'Phát động thi viết "Văn bia nữ tướng Nguyễn Thị Định"

Tin dịch vụ - Tỉnh Bến Tre phát động cuộc thi viết “Văn bia nữ tướng Nguyễn Thị Định” dành cho mọi công dân Việt Nam, nhằm chọn ra bài văn bia hay nhất viết về nữ tướng Nguyễn Thi Định để khắc trên bia đá, đặt tại nhà bia trong khu lưu niệm nữ tướng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp