18/05/2023 19:55 GMT+7

Bảo tàng kén khách tham quan...

Nhân Ngày Quốc tế bảo tàng (18-5), Tuổi Trẻ Online gặp gỡ các giám đốc, nguyên giám đốc nặng lòng với công tác bảo tàng. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự phát triển của bảo tàng. Đến khi về hưu, họ vẫn tiếp tục sống với đam mê.

Bảo tàng kén khách tham quan... - Ảnh 1.

Bảo tàng Áo dài có nhiều hoạt động mừng Ngày Quốc tế bảo tàng - Ảnh: NVCC

Đó là bà Huỳnh Ngọc Vân - nguyên giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, hiện là giám đốc Bảo tàng Áo dài và bà Mã Thanh Cao - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Vừa nghỉ hưu lại làm giám đốc bảo tàng tư nhân

Huỳnh Ngọc Vân bắt đầu công tác bảo tàng từ năm 1988 khi làm thuyết minh viên tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Năm 1991 bà Vân về công tác tại Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh). Trải qua nhiều công việc khác nhau, đến năm 2009 bà đảm nhận vai trò giám đốc.

“Tôi học ngành lịch sử tại Nga nên có một tình yêu đặc biệt dành cho lịch sử. Trong khi đó lịch sử và bảo tàng lại gắn bó với nhau. Tôi tham quan nhiều bảo tàng, rồi mê bảo tàng lúc nào không hay" - bà Ngọc Vân nói với Tuổi Trẻ Online.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tự hào là nơi duy nhất của Việt Nam trong top 99 điểm đến hấp dẫn thế giới (vị trí thứ 61 trong bình chọn này).

Để thu hút được lượng khách đến với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bà Ngọc Vân sớm áp dụng chính sách công chúng tiếp cận.

Bà xây dựng chính sách riêng cho khách nội địa và khách quốc tế. Thậm chí, chia nhỏ đối tượng phục vụ dành cho người lớn, sinh viên, học sinh từng "món ăn" riêng.

Cách trưng bày, chú thích, hướng dẫn viên thuyết minh cũng dùng nhiều thứ tiếng như Việt, Anh, Pháp, Nhật Bản… để đáp ứng nhu cầu khách tham quan.

Ngay sau nghỉ hưu tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (năm 2017), bà Ngọc Vân được mời về làm giám đốc Bảo tàng Áo dài (bảo tàng ngoài công lập).

Bảo tàng kén khách tham quan... - Ảnh 3.

Bà Huỳnh Ngọc Vân (trái) tiếp nhận hiện vật tặng Bảo tàng Áo dài - Ảnh: NVCC

Tính đến nay, bà Ngọc Vân có 35 năm gắn bó với bảo tàng. Bà bảo tình yêu là động lực, là sức mạnh để bà gắn bó, đóng góp không mệt mỏi cho bảo tàng.

Trong suốt thời gian qua, bà Ngọc Vân còn âm thầm giúp các bảo tàng trên cả nước trong việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, kết nối giao lưu, tạo thêm sự gắn kết giữa các bảo tàng trong cả nước.

Bảo tàng kén khách tham quan, chỉ người có mục đích, có sự quan tâm mới đến. Người tiếp cận hiện vật đòi hỏi phải có trình độ mới hiểu hết các chú thích. Nơi đây được xem như là một trường học, mang đến nhiều kiến thức quý giá.
Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài

30 năm gắn bó với bảo tàng

Tiến sĩ Mã Thanh Cao - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM - có 30 năm gắn bó với công tác bảo tàng, từ năm 1986 đến 2015. Song song với công việc ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từ năm 1992 bà bắt đầu dạy lịch sử mỹ thuật tại nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM và một số địa phương.

Từ khi bắt đầu đi thỉnh giảng, mỗi lần tiếp xúc với sinh viên, bà Cao luôn “tranh thủ” giới thiệu về bảo tàng và khuyến khích sinh viên đến với bảo tàng để học, tìm hiểu nhiều thông tin thú vị.

Đó là kinh nghiệm quý báu có được các buổi học thường xuyên từ thời sinh viên trong các bảo tàng ở Leningrad (nay là Sankt Peterburg, Liên bang Nga), đặc biệt là Bảo tàng Nghệ thuật Ermitage nổi tiếng.

Trong suốt khoảng thời gian gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bà Cao luôn dành cho bảo tàng một tình yêu đặc biệt, luôn đau đáu câu chuyện làm sao thu hút du khách đến với bảo tàng.

Bảo tàng kén khách tham quan... - Ảnh 5.

Bà Mã Thanh Cao nặng lòng với công tác bảo tàng - Ảnh: NVCC

Với bà, được làm việc ở một bảo tàng đúng với chuyên ngành là một sự may mắn, là cái duyên và là tình yêu nghề nên từ khi tốt nghiệp đại học cho đến nghỉ hưu chỉ gắn bó với một nơi duy nhất.

Bà yêu thích công việc này vì nó mang đến kiến thức vô tận về nghệ thuật, giúp cuộc sống vui vẻ, cân bằng. Chính vì thế dù đã về hưu nhưng bà vẫn sắp xếp thời gian để đi dạy, hướng dẫn các học viên, nghiên cứu sinh, chia sẻ kiến thức về mỹ thuật, về bảo tàng đến nhiều người hơn.

“Để du khách đến với bảo tàng ngày càng nhiều hơn, tôi nghĩ cần có sự chung tay của Nhà nước trong việc đầu tư kinh phí để các hoạt động chất lượng hơn như hệ thống chiếu sáng bảo tàng, kho hiện vật đạt chuẩn, trang thiết bị cho trưng bày, ổn định và đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ cho hiện vật... tạo điều kiện giao lưu học hỏi các bảo tàng trong khu vực và quốc tế.

Về phía bảo tàng rất cần chủ động, cố gắng nghiên cứu, sưu tầm nhiều thông tin, hình ảnh tư liệu về hiện vật trưng bày. Đồng thời áp dụng các phương tiện kỹ thuật giúp khách tham quan có nhiều lựa chọn tìm hiểu, tạo sự thích thú, hiểu giá trị nghệ thuật.

Tôi cũng coi trọng vai trò của giáo dục trong gia đình đối với việc tạo thói quen tham quan bảo tàng cho con em từ nhỏ” - bà Mã Thanh Cao trăn trở.

Bên trong bảo tàng sách đầu tiên của TP.HCMBên trong bảo tàng sách đầu tiên của TP.HCM

Bảo tàng sách đầu tiên của TP.HCM được thành lập với mục đích lưu trữ và giới thiệu đến công chúng những đầu sách và tư liệu quý hiếm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp