Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) giới thiệu 3 chuyên đề trưng bày với nhiều cổ vật lần đầu được công bố, gồm: di tích Chăm tại Đà Nẵng, cổ vật văn hóa Sa Huỳnh-Champa (của nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh) và văn khắc-chữ viết Chăm.
Với chuyên đề “Văn khắc-chữ viết Chăm”, bên cạnh văn tự trên bia đá thường thấy, du khách sẽ được thấy các văn bản chữ viết Chăm trên chất liệu giấy, lá buông.
Ở chuyên đề “Di tích Chăm tại Đà Nẵng”, các hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ tại các di chỉ Quá Giáng, Phong Lệ, Cấm Mít… được trưng bày cùng với nhiều hiện vật gốm, thạch anh, ngà voi, vàng… lần đầu tiên đến với công chúng.
Bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp thuộc di tích Quá Giáng cũng được bổ sung những hiện vật phong phú phát hiện qua khai quật năm 2014. Đó là bia chữ Chăm cuối thế kỷ IX (di tích Chăm ở Khuê Trung); bệ tượng có chạm hình cánh sen (chùa An Sơn); bệ thờ Indra (chùa Ngũ Hành Sơn) cũng được trưng bày, gợi cho người xem cái nhìn tổng quát về sự phân bố các di tích Chăm tại khu vực Đà Nẵng – nơi từng là cửa ngõ giao thương quan trọng từ thời Vương quốc Champa.
Còn chuyên đề “Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh-Champa” là bộ sưu tập của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), với nhiều hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như mộ chum, trang sức thủy tinh, thạch anh và hiện vật gốm, kim loại.
Ở đây, người xem sẽ hình dung được mối quan hệ tiếp nối giữa văn hóa Sa Huỳnh và Champa qua đặc trưng hoa văn, kiểu dáng và kỹ thuật chế tác thể hiện ở sản phẩm gốm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận