Đến nay tiến độ triển khai dự án rất chậm, người dân lo lắng khi di tích này đang chịu tác động tiêu cực bởi yếu tố thời tiết trong thời gian dài.
Sau 9 tháng Bảo tàng Chăm vẫn "án binh bất động"
Năm 2021, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được công nhận là di tích văn hóa cấp TP. Theo chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án nhằm tu bổ, bảo tồn di tích này bền vững và thẩm mỹ; trưng bày, triển lãm di sản văn hóa Chăm; phát huy giá trị di tích, kết nối du lịch...
Cụ thể phần xây lắp, khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích có diện tích 4.279m2. Trong đó bao gồm: khu vực 1 (khu vực bảo tồn, lõi di tích) rộng 2.653m2; khu vực 2 là khu vực bảo vệ di tích 1.626m2; khu vực 3 là hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.461m2.
Bên cạnh đó là nhà trưng bày di tích Chăm, không gian trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, các khu dịch vụ... Còn phần đền bù, giải tỏa với kinh phí hơn 13 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2027.
Tại khu di chỉ khảo cổ Phong Lệ từng tồn tại các công trình kiến trúc Champa quy mô lớn. Đây là phế tích duy nhất vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc trưng của nền văn hóa Chăm.
Theo ghi nhận, hiện nay tại đây vẫn chưa được triển khai dự án, một số khu vực cỏ dại mọc xung quanh. Hố thiêng - khu vực lõi của di tích - được che chắn bằng bao cát và lợp mái tôn. Nhiều người dân trong vùng giải tỏa mong dự án sớm triển khai để họ ổn định cuộc sống.
Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng mới đây, nhiều đại biểu cho rằng di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đang chịu tác động tiêu cực bởi yếu tố thời tiết trong thời gian dài, sợ sẽ xuống cấp, hư hỏng.
Cuối năm 2024 mới khởi công
Tại kỳ họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nói: "Rõ ràng rất lúng túng về câu chuyện này. Đề xuất quyết định chủ trương đầu tư Bảo tàng Chăm thì phải rõ hết các phương án đầu tư và những câu chuyện tiếp theo sau đó.
Có quyết định chủ trương đầu tư mà để chín tháng sau mới biết phải thi tuyển phương án kiến trúc thì thấy là không ổn về mặt quy trình, thủ tục, không minh bạch, rõ ràng".
Ông cũng yêu cầu các ban của HĐND rút kinh nghiệm trong thẩm tra dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ công việc.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, dự án được giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban quản lý) làm chủ đầu tư và điều hành dự án Bảo tàng Chăm.
Tiến độ là lựa chọn phương án kiến trúc công trình trước ngày 30-3-2024, phê duyệt quy hoạch dự án tỉ lệ 1/500 trước ngày 30-6-2024, hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai thi công trước 30-12-2024.
Ông Nguyễn Hữu Hinh, giám đốc Ban quản lý, cho hay ban đầu Ban quản lý tính thi tuyển kiến trúc giống như những công trình khác nhưng việc lấy ý kiến các nhà khoa học mất rất nhiều thời gian và còn phải quy hoạch cảnh quan, hạ tầng, quy hoạch chi tiết.
Việc thi tuyển phương án quy hoạch đô thị mất 120 ngày, dự kiến tháng 4-2024 hoàn thành, sau đó triển khai lập quy hoạch 1/500, dự kiến cuối tháng 12-2024 khởi công dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận