Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 1 - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương |
Do ảnh hưởng của bão số 1, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Như vậy từ chiều tối nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp khu vực từ Nam Quảng Ninh đến bắc Thanh Hóa.
Dự báo trong 6-12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1g ngày 28-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực trung tâm đồng bằng bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-12. Biển động rất mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Tại Hà Nội có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và từ tối nay đến hết đêm 28-7 có mưa rất to, lượng mưa khoảng 100-200mm.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Việt Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngoài ra, khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Một tàu thuyền bị nạn trên vùng biển Quất Lâm Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-7, Chi cục trưởng chi cục thủy lợi Đặng Ngọc Thắng, Sở nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, vào lúc 14g15 phút, tàu cá NĐ 91737 CS (240CV) do anh Lê Văn Tuấn (SN 1989) ở thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy làm thuyền trưởng trong khi vào tránh trú bão tại cửa sông Sò - Hà Lạn đã bị sóng đánh chìm. Được biết trên tàu ngoài thuyền trưởng còn có 2 lao động. Đồn biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ, chiến sĩ ra cứu nạn. Đến 15g đã đưa 3 ngư dân trên tàu bị nạn vào bờ an toàn, tàu cá bị chìm dự kiến sau bão sẽ trục vớt. Hiện nay, tất cả ngư dân và tàu thuyền trên các vùng biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Định đã vào bờ tránh bão an toàn. Tỉnh đã có công văn chỉ đạo, trực tiếp đến các vùng biển để phục vụ công tác phòng chống cứu hộ, cứu nạn sau khi nhận được thông tin cơn bão số 1 trực tiếp ảnh hưởng vào địa bàn tỉnh. |
Phó Thủ tướng chỉ đạo chống bão Ngày 27-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Thái Bình. Ngoài việc kiểm tra trực tiếp nơi neo đậu tàu thuyền ở cảng Diêm Điền, Phó Thủ tướng đã kiểm tra hệ thống đê biển Thái Bình, kiểm tra phương án phòng tránh bão tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Phó Thủ tướng lưu ý cơn bão số 1 di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp, Thái Bình được dự báo là trọng tâm ảnh hưởng của bão. Do bão đổ bộ vào bờ trong tối và đêm nên Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh, đặc biệt là tỉnh Thái Bình không thể chủ quan. Phó Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ số một trong công tác phòng chống bão là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ven biển khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong việc kêu gọi tàu thuyền vào khu vực tránh trú bão an toàn, di dời người dân khỏi các cơ sở nuôi trồng thủy sản; chằng chống, gia cố để bảo vệ an toàn cho nhà dân, tại các công trình xây dựng; chủ động chống ngập úng do mưa lớn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, đến 12g ngày 27-7 đã liên lạc được, kêu gọi tất cả 1.293 tàu, thuyền với 3.523 lao động khai thác thủy, hải sản vào bờ trú bão. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận