Trước đó cũng có thông báo rằng Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động xe ôtô điện 12 chỗ trên địa bàn TP.HCM trong 3 năm.
Xem ra trong chuyện xe buýt mui trần và xe điện 4 bánh, chúng ta đã quá chậm so với thế giới. Xe buýt 2 tầng mui trần khá phổ biến ở nhiều thành phố trên thế giới, giúp đa dạng dịch vụ du lịch, tăng thu cho ngân sách.
Còn ôtô điện tốt cho môi trường, nhiều nước đã công bố lộ trình thay cho ôtô chạy xăng, diesel, tức là phải khuyến khích, vậy mà ở ta vẫn ngập ngừng thí điểm và đẩy lên cho Thủ tướng quyết định?
Ở nhiều nước, những quyết định liên quan những việc thế này tùy vào thị trưởng, không cần đến cấp bộ, càng không phải đẩy lên tới thủ tướng.
Vì sao có những việc nhỏ nhưng cấp dưới không tự quyết mà phải đẩy lên cấp cao hơn? Có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây có lý do lo sợ trách nhiệm nên hoặc là cấm, hoặc ngập ngừng làm thí điểm, rồi đùn đẩy lên trên.
Cứ theo cách làm này thì xe buýt hai tầng mui trần hay ôtô điện cũng sẽ ngập ngừng vận hành trong cuộc sống. Lĩnh vực nào cũng có tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm thì đất nước khó lòng tăng tốc phát triển.
Thế nhưng, trái với tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, lại có tình trạng muốn ôm đồm “bao sân”, nghĩ thay, làm thay cấp dưới, cái gì hoành tráng, đầu tàu phải được “kéo” về Hà Nội dù đi ngược lại quy luật thị trường... Thói quen, lối tư duy này cũng ít nhiều làm chậm lại sự phát triển của xã hội.
Nhiều người luôn hỏi vì sao với cơ chế tự lo từ A tới Z, Khu công nghệ cao TP.HCM đã và đang mở rộng trong khi dù được Chính phủ đầu tư, kêu gọi đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ trực tiếp quản lý, điều hành nhưng Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vẫn bị đánh giá “chậm lớn”?
Rồi Bộ Giao thông vận tải có “bao sân” khi làm chủ đầu tư nhiều công trình hạ tầng, từ cầu qua sông Hồng, đường sắt đô thị, đường vành đai... ở Hà Nội và một số tỉnh, ít nhiều đã tác động tiêu cực đến tính tự chủ của các địa phương?
Hay giá trị giao dịch cổ phiếu của sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) luôn cao gấp gần bốn lần sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) nhưng dự kiến tới đây sẽ sáp nhập hai sàn và trụ sở giao dịch chứng khoán sẽ đặt tại Hà Nội chứ không phải TP.HCM.
Về chuyện không hợp lý này, người ta nói đùa: tư duy như ta thì nước Mỹ phải chuyển trung tâm tài chính New York về Washington hoặc là chuyển thủ đô về New York....
Chúng ta đã hội nhập và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chỉ có kiên quyết “chia tay” tư duy lối mòn, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn phân cấp (nhất là về lĩnh vực ngân sách, đầu tư) cho các địa phương... thì mới mong đất nước không bị “chậm chân”, mới có cơ hội tăng tốc phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận