03/08/2018 10:16 GMT+7

Bảo quản thuốc, chớ coi thường!

THANH BÌNH
THANH BÌNH

TTO - Thuốc, dung dịch truyền được chứa trong các thùng giấy, chất đống dưới tầng hầm, hành lang, chân cầu thang, trước nhà vệ sinh. Đó là tình trạng trữ thuốc tại Bệnh viện quận Thủ Đức (29 Phú Châu, KP 5, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Bảo quản thuốc, chớ coi thường! - Ảnh 1.

Thuốc, dung dịch truyền để tràn lan ngay trước nhà vệ sinh - Ảnh: THANH BÌNH

Ghi nhận tại bệnh viện này trong một thời gian dài từ ngày 10-7, tại khoa lọc máu (thận nhân tạo), thuốc y tế và các loại dung dịch truyền chứa trong thùng cactông được chất đống tràn lan, tiếp xúc trực tiếp với nền gạch mà không có kệ đỡ phía dưới. 

Những thùng thuốc còn nguyên niêm phong, nhãn mác, hạn sử dụng… "chễm chệ" nằm trên bậc thềm trước hành lang, trước bãi giữ xe máy của bệnh viện. 

Đến ngày 30-7 khi trở lại Bệnh viện quận Thủ Đức, chúng tôi vẫn chứng kiến hình ảnh này.

Thuốc để tràn lan

Nhiều thùng thuốc để tràn ra cả phía ngoài hành lang không có mái che, không có giá, kệ để sắp xếp thuốc. 

Ở phía trên hành lang, thuốc còn được để ngay trên nền gạch phía trước cửa khoa lọc máu, bên cạnh là những bao tải chứa rác thải y tế. 

Gần đó, trước lối đi vào nhà vệ sinh của khoa lọc máu, thuốc được đặt trên nền gạch cạnh tủ đồ của bệnh nhân và nhân viên mà không được che đậy.

Dọc trên cầu thang bộ và ngay dưới chân cầu thang xuống tầng hầm, có hàng chục thùng cactông đựng dung dịch truyền bám đầy bụi để bừa bãi bên cạnh những bình dung dịch đã qua sử dụng và rác thải.

Trên một số thùng thuốc có ghi: Dung dịch thẩm phân máu đậm đặc (bicarbonat) HD PLUS 8,4 B được sử dụng cho người bị suy thận, thuốc này có điều kiện bảo quản nơi khô ráo, dưới 20oC.

Tại khoa dược của bệnh viện (đồng thời là nơi phát thuốc bảo hiểm y tế), các thùng thuốc cũng được chất đống ngổn ngang dưới nền đất, bên cạnh khu vực chứa bình hơi, hệ thống phân phối điện, hệ thống điều hòa, cạnh những bao tải đầy rác thải gần khu vực ra vào nhận thuốc của bệnh nhân. 

Tầng hầm là nơi vốn được sử dụng như một không gian tiện ích cho tòa nhà, nơi chứa các loại lò sưởi, máy móc, hộp cầu chì, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống phân phối điện hay được dùng làm bãi đậu xe. Nay được bệnh viện tận dụng làm nơi bảo quản cất giữ thuốc và nhận thuốc bảo hiểm y tế.

"Kho thuốc bị dột nên phải để tạm"

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Ngọc - phó giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức - xác nhận việc người dân phản ảnh về việc để thuốc khắp nơi là chính xác. Về nguyên tắc bảo quản thuốc phải đảm bảo điều kiện bảo quản thuốc y tế. 

Tuy nhiên bà Ngọc cho biết lý do phải để thuốc ở các hành lang, tầng hầm, cầu thang… là do kho bảo quản thuốc bị hư hỏng vì mưa dột, bệnh viện hiện đang sửa chữa, phải dời tạm thuốc ra bên ngoài nên mới có tình trạng trên. 

 "Do những ngày này mưa quá lớn, kho bị dột đang sửa chữa nên thuốc mới được chuyển ra để tạm bên ngoài ở khoa lọc máu. Phía bệnh viện sẽ chuyển thuốc lại vào kho ngay sau khi kho được sửa chữa xong. 

Bệnh viện cũng đã có phương án dời thuốc sang kho mới ngay Trường trung cấp Bến Thành gần bệnh viện để thuốc được bảo quản đúng nơi quy định" - bà Ngọc nói.

Đến ngày 30-7, khi trở lại Bệnh viện quận Thủ Đức, chúng tôi vẫn chứng kiến hình ảnh này. 

BS Nguyễn Minh Quân - giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức - tiếp tục cho biết điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện chưa đáp ứng được nên phải để tạm nên mới có tình trạng trên và phía bệnh viện sẽ xử lý ngay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng thuốc được bảo quản ở những nơi như dưới tầng hầm, trên nền đất, hay bị ánh sáng trực tiếp chiếu vào sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thuốc và sai quy định về việc bảo quản thuốc. 

Chất lượng thuốc chỉ đảm bảo trong suốt hạn dùng nếu được bảo quản cất giữ thuốc tốt, nếu không có thể gây độc cho người dùng.

Cất giữ thuốc: chuyện không nhỏ

Trong sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong vừa qua, có một vấn đề rất đáng lưu ý là bảo quản thuốc.

Hiện nay các trung tâm lọc máu ngoài thận thường dùng dung dịch thẩm phân máu đậm đặc với hệ thống đệm là bicarbonat và đây được xem là dược phẩm cần được cất giữ theo chế độ bảo quản thật tốt.

Ta cần biết, dung dịch thẩm phân máu là phương tiện rất quan trọng để tiến hành lọc máu ngoài cơ thể cho người bị suy thận.

Dung dịch thẩm phân máu bao gồm nước và các chất điện giải như natri clorid, calci clorid, magnesi sulfat… có nồng độ gần tương đương với nồng độ của chúng trong máu người khỏe mạnh.

Ngoài ra còn có glucose. Hệ thống đệm là natri bicarbonat hoặc acetat. Nước pha dịch thẩm phân máu cần được xử lý thật tốt để tinh khiết, vô trùng.

Các hóa chất dùng để pha dung dịch thẩm phân máu đều phải đạt tiêu chuẩn dược dụng.

Các dung dịch thẩm phân máu nói chung phải được cất giữ, bảo quản ở nhiệt độ từ 15 - 25oC trước khi dùng chạy thận.

Thuốc cần được bảo quản cất giữ ở nơi thích hợp. Ngoài những quy định chung về cất giữ, bảo quản thuốc phải tuân thủ, còn có những quy định riêng, đặc biệt về cất giữ, bảo quản thuốc sẽ được ghi trong "bản hướng dẫn sử dụng thuốc".

Ví dụ như thuốc insulin, là chế phẩm sinh học cần được giữ ở nhiệt độ thấp từ 4 - 8oC.

Vì vậy trong bản hướng dẫn sử dụng insulin, có lời khuyên khi mua thuốc insulin tại nhà thuốc, phải chắc chắn nhà thuốc bảo quản trong tủ lạnh.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp