Các loại bao bì nhựa dẻo chủ yếu là các hóa chất cao phân tử PVC (polyvinyl clorua), PE (polyethylene)... Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì này người ta phải thêm chất hóa dẻo (plasticizer) là các hóa chất có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các “dẫn chất phtalat”. Các dẫn chất phtalat này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm.
Nếu bao bì đó đựng thực phẩm và trong quá trình sử dụng chế biến đun nóng ở nhiệt cao, các dẫn chất phtalat bị thôi ra nhiễm vào thực phẩm và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể con người sẽ gây hại. Trẻ em dùng bình sữa, chén nhựa, đồ chơi bằng nhựa dẻo có chứa hàm lượng cao các phtalat cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm chất này.
Hại đến cỡ nào?
Tác hại của các dẫn chất phtalat vào trong cơ thể gây hại nhiều mặt nhưng hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết. Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và một số nghiên cứu lại được tiến hành trên chính Đài Loan. Vì vậy, ta không ngạc nhiên là Đài Loan mấy năm trước rất mạnh tay trong việc thu hồi các sản phẩm chứa dẫn chất phtalat là DEHP, DIDP và DINP phát hiện trong sản phẩm ở đây và hoạt động rất tích cực trong mạng lưới cảnh báo vệ sinh thực phẩm toàn cầu.
Ở nước ta, như nhiều nước trên thế giới, đã ghi nhận một số hiện tượng bé gái dậy thì sớm (thậm chí rất sớm 2-3 tuổi đã được ghi nhận). Hiện tượng dậy thì sớm ở bé gái có thể do hai nguyên nhân. Trước hết, do tự thân cơ thể bé gái có những rối loạn về mặt sinh dục đưa đến dậy thì sớm. Thí dụ như có bướu ở vùng dưới đồi hoặc ở tuyến tùng nằm ở não bộ có thể gây tăng tiết estrogen sớm khiến bé gái dậy thì khi chưa đến 8 tuổi. Nguyên nhân tự thân rối loạn có tính chất cá biệt và rất hiếm xảy ra. Chính nguyên nhân còn lại là đáng quan tâm vì xuất phát từ môi trường.
Khi “kẻ thù” đột nhập cơ thể
Những chất từ bên ngoài môi trường được đưa vào cơ thể con người hoạt động như estrogen được gọi là xenoestrogen (có nghĩa chất tương tự, có tác dụng như estrogen từ bên ngoài đưa vào cơ thể). Cơ thể bé gái chưa dậy thì nhưng do tiếp xúc với xenoestrogen xem như có một lượng estrogen trong cơ thể, estrogen này sẽ kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên ở não tiết ra các hormone hướng dục (gonadotropins) đánh thức buồng trứng làm việc và làm xuất hiện sớm những hiện tượng đặc trưng của giới tính nữ.
Nhiều phtalat được ghi nhận có tác dụng như một xenoestrogen. Các hormone sinh dục kể cả nam và nữ, về mặt cấu trúc hóa học, đều có phần tương tự, xuất phát từ chất đầu tiên là cholesterol. Vì vậy, xenoestrogen không chỉ ảnh hưởng đến estrogen mà còn ảnh hưởng đến các hormone khác, và các phtalat được xem là chất làm rối loạn hormone giới tính nói chung, tức cũng có ảnh hưởng đến hormone nam giới là vì thế.
Hiện nay, người ta không chỉ cảnh giác với các dẫn chất phtalat bị nhiễm trong thực phẩm mà còn lo ngại về các vật dụng sinh hoạt hằng ngày có chứa các chất gây nguy hại này. Cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nay Nghị viện châu Âu không cho phép dùng DBP và DEHP trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm.
Đối với chúng ta, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải xem việc cảnh giác, phát hiện và không cho sử dụng các loại thực phẩm chứa dẫn chất phtalat là rất cần thiết. Đối với người dân, cũng nên dùng cẩn thận các sản phẩm nhựa dẻo như đã kể vì có thể chứa các dẫn chất phtalat. Không nên chế biến thức ăn quá nóng hoặc để trong lò vi ba trong các tô chén, bao bì bằng nhựa mà nên thay bằng vật đựng bằng thủy tinh, sứ (nhiệt độ quá nóng các phtalat dễ thôi ra). Dùng lá chuối hoặc giấy làm bao bì thay vì dùng bao bì bằng nhựa, plastic là tốt hơn xét về vấn đề bảo vệ môi trường. Một số bệnh viện đã bắt đầu khuyến cáo người nhà bệnh nhân không dùng bọc nilông để nhận canh cho người bệnh còn bốc khói nghi ngút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận