Tạm gác sang một bên những trường hợp liên quan tới chính sách hoặc vì một lý do tế nhị nào khác, từng làm thứ trưởng, phó thủ tướng, lúc nào tôi cũng thấy thiếu người, lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối” mà làm không hết việc.
Trong khi đó ở hầu hết các nước, tôi thấy hầu như ở đâu cũng vậy: chính phủ không có phó thủ tướng, tổng thống, cùng lắm chỉ có một phó; các bộ cũng vậy, không có thứ trưởng, có chăng chỉ là thứ trưởng nghị viện chuyên làm cầu nối với quốc hội mà thôi.
Tôi cứ thắc mắc, không biết làm sao bộ máy của họ vẫn vận hành trôi chảy, thậm chí hằng năm thảnh thơi đi nghỉ hàng tháng!
Nay cả trên diễn đàn Quốc hội lẫn trong dư luận xã hội, kể cả trên mặt báo chí, nhiều ý tưởng chấn chỉnh đã được nêu ra, song tôi có cảm giác chưa thật căn cơ, chưa thật trúng bệnh, nếu chữa trị theo các đơn thuốc ấy e rằng khó bề khỏi bệnh.
Vậy phải sửa thế nào? Theo thiển ý của tôi, đối với bộ chẳng hạn, đơn thuốc cần có những vị sau:
Một là, nâng cao trách nhiệm của các cục vụ trưởng, coi họ là tư lệnh của lĩnh vực mà họ phụ trách và họ có đầy đủ thẩm quyền và gánh đủ trách nhiệm về lĩnh vực ấy; Chính phủ có triệu tập họp thì họ có thẩm quyền tham gia và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.
Qua kinh nghiệm bản thân, khi làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm sao tôi có thể thạo hơn anh vụ trưởng, ví dụ Vụ Luật pháp quốc tế chẳng hạn? Khi bàn vấn đề cắt giảm thuế suất nhập khẩu để gia nhập WTO làm sao với tư cách phó thủ tướng tôi thạo hơn bộ trưởng Bộ Tài chính?
Còn bộ trưởng phải có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm quyết định mọi việc của ngành mình, không được đùn đẩy lên Thủ tướng, có đùn lên cũng hất xuống, từ đó giải phóng cho Thủ tướng những việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bộ trưởng, dành thời gian suy nghĩ về những vấn đề toàn cục.
Chừng nào chưa gỡ bỏ được cơ chế bùng nhùng, đùn đẩy như hiện nay thì không thể giảm cấp phó!
Hai là, ở các nước tôi nói ở trên, họ có phải đóng vai trò “bộ chủ quản” đâu, còn ở ta thì nhiều khi bộ máy lãnh đạo bộ (thậm chí thường trực Chính phủ) làm việc như hội đồng thành viên, Bộ GD-ĐT chẳng hạn thì như ban giám đốc siêu đại học quốc gia.
Chừng nào chưa gỡ bỏ được cơ chế “bao cấp công việc” như vậy thì cũng không thể nói tới chuyện giảm cấp phó!
Ba là, thể chế dùng người, tiền lương, hưởng thụ hiện hành và cả tâm lý xã hội tất yếu lùa mọi người vào quan lộ, chẳng mấy ai chịu làm chuyên gia, do đó mới có tình trạng quan chức quản lý không sâu thì nhiều, chuyên gia thành thao công việc thì ít, mới sinh ra nhiều “hàm” để được hưởng chế độ như quan chức quản lý.
Chừng nào không xây dựng được thể chế khuyến khích chuyên gia thì cũng không thể trông đợi thay đổi được thực trạng.
Nói theo ngôn từ cửa miệng ngày nay là phải giải quyết một cách đồng bộ, phải đổi mới thể chế, chứ đừng cò cưa bàn thảo bao nhiêu phó là vừa! Còn giữ thể chế, cung cách làm việc cũ thì bao nhiêu phó cũng không vừa đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận