02/09/2021 08:59 GMT+7

'Báo nghỉ, tôi mới nghỉ'

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Đèn đường chưa tắt. Mỗi sáng tôi vẫn quen dậy sớm để đạp xe hay cuốc bộ đi tìm báo và cà phê. Cái thú nho nhỏ của thị dân Sài Gòn theo tôi đi khắp nơi hơn nửa đời người.

Báo nghỉ, tôi mới nghỉ - Ảnh 1.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ lâu những người bán báo vỉa hè trở thành người quen đầu tiên hỏi thăm tôi mỗi ngày: Khỏe không anh? Lóng rày thấy anh ít ghé?

Chị Ba: “Cái duyên mua báo lại giúp tôi bán báo”

Khắp Sài Gòn có lẽ chỉ có một khu phố dựng hẳn cổng ra vào theo kiểu tam quan xưa, là cư xá Đô Thành, quận 3. Kế cận cổng tam quan uy nghi ấy, mỗi sáng đều có một chiếc xe đạp cũ đứng mong manh trên vỉa hè.

Một loạt tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động... được treo khéo léo, buông từ giỏ xe xuống hè phố theo chiều dọc, trông rất bắt mắt. Tờ nào tờ nấy được xếp phẳng phiu và gọn gàng. Đặt cạnh xe đạp là một chiếc giỏ đựng nhiều tờ báo và tạp chí khác.

Người bán báo là chị Ba, đeo kiếng cận, nước da bánh mật, mập mạp phúc hậu. Ngày nào chị cũng mặc áo bà ba, đội nón lá, luôn tươi vui, đưa báo ân cần, trao tiền bao giờ cũng cầm hai tay.

Tôi là khách quen của chị từ bốn năm nay, còn chị đã bán báo tại đây đúng 21 năm rồi!

Chị Ba thuở nhỏ từng là nữ sinh Trường trung học Nhà Bè, mê đọc sách, đọc báo và làm “bích báo”. “Cuộc sống đưa đẩy thôi”, chị Ba kể. Sau khi lập gia đình, chị theo chồng về ở trong nhà tập thể ba tầng đối diện cổng tam quan cư xá Đô Thành, bán căng tin ở Nhà hát Hòa Bình.

Nào ngờ đến một ngày chị mất việc. Trong lúc chưa biết làm gì để kiếm sống thì thời may “cái duyên mua báo lại giúp tôi bán báo” - chị khoe một cách hồn nhiên.

Những năm ấy, ở cổng cư xá có một người bán báo lớn tuổi mà hằng ngày chị vẫn ra mua. “Chị Lan - nhà ở Tân Kỳ Tân Quý, xa lắm. Sáng sớm nào cũng lên đây lãnh báo, ngồi bán đến trưa trời trưa trật, chẳng quản nắng mưa”. Lâu dần hai chị em tâm đầu ý hợp, rù rì chuyện báo, chuyện nhà những lúc rảnh rỗi.

Khi biết chị Ba thất nghiệp, chị Lan bàn với con mình nhường chỗ bán báo cho chị Ba, còn tận tình giao lại các đầu mối và khách hàng ruột. Hơn 20 năm rồi, nhắc lại chị Ba vẫn xuýt xoa “Người dưng mà tốt bụng quá!”.

Thế là từ đó chị Ba gia nhập “đội quân” phát hành báo chí trên đất Sài Gòn. Mờ sáng chị đã có mặt ở cổng tam quan nhận từng tệp báo, sắp xếp, rồi nhanh chóng đạp xe đi bỏ báo cho những nhà đặt dài hạn trong cư xá Đô Thành và xóm Vườn Chuối. Sau đó chị quay lại, bán báo cho khách đến tận 11 giờ trưa.

Quen tôi lâu, chị Ba thành thật kể mỗi tờ nhật báo người phát hành được “huê hồng” 1.000 đồng. Với các tạp chí, thông thường tòa báo đều ghi giá bìa là số lẻ nên người bán báo “có thể xin thêm 500 đồng cho chẵn”.

Tuy nhiên có những báo không cho trả lại thì người bán chỉ dám lãnh một ít để bán thăm dò cho đến khi thành quen thuộc với bạn đọc. Báo chưa bán hết, nhất là tạp chí, chị cứ treo ở đấy và thầm mong có người chưa kịp mua sẽ tìm hỏi.

Vất vả nhưng êm đềm, tờ nhật báo đều đặn nối cuộc mưu sinh. Bắt đầu dịch COVID, từng ngày, người dừng chân mua báo sụt giảm thấy rõ. Từ tháng 4, tính cả đặt báo và mua lẻ đã giảm một nửa, nhưng mỗi ngày tôi vẫn gặp chị Ba kiên trì bám lề đường. Chị nói: “Ở nhà không có việc, buồn lắm”.

Trang phục của chị có thêm khẩu trang và găng tay để phòng vệ cho mình và giữ cho khách. Từ hôm 9-7 khi áp dụng chỉ thị 16, chị Ba cất xe đạp, giấu chiếc giỏ đựng báo ở ngách tường cổng tam quan. Đứng nép bên cổng thấy khách quen, chị vẫy tay và nhẹ nhẹ trao báo cho khách.

Tuy nhiên vẫn phải tính cách khác. Chị hỏi xin số phone và địa chỉ của khách quen mua lẻ để đưa báo đến tận nhà. Bây giờ mỗi sáng chị Ba đi giao báo cho hơn 30 gia đình quanh khu vực. Xóm Vườn Chuối mấy tuần rồi bị phong tỏa, chị bỏ báo vào túi xốp nhờ dân phòng đưa giúp đến khách hàng.

Hôm 25-7, khi thành phố chuyển sang chỉ thị 16+, hạn chế đi lại hơn nữa, tôi gọi điện hỏi thăm. Đầu máy bên kia, tiếng chị nghẹn nghẹn: “Anh ơi, có nên đi bán nữa không? Ra đường hôm nay tôi thấy ở đâu cũng hoang vắng”. Tôi chưa kịp nói, chị đã tự trả lời: “Chừng nào báo nghỉ thì mình nghỉ, đúng không anh?”.

Chao ôi, Sài Gòn có bao nhiêu người bán báo bền bỉ như chị?

Báo nghỉ, tôi mới nghỉ - Ảnh 2.

Chị Ba bán báo khu cư xá Đô Thành - Ảnh: PHÚC TIẾN

Nghề bán báo vẫn gặp nhiều trắc trở

Chị Năm bán báo gần trụ sở Hội Chữ thập đỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chị dựng chiếc khung lớn dựa vào một thân cây to bên lề đường để trưng bày đủ loại báo lớn nhỏ, thân cây lúc nào cũng có một thẻ nhang vương khói.

Tôi hay ghé sạp báo của chị để mua các tờ tuần báo hay tạp chí. Các dịp lễ Tết, sạp của chị rực rỡ màu sắc của đủ các loại đặc san, giai phẩm Xuân. Hôm 23-7, sau đợt khu nhà mình bị phong tỏa, buổi sáng được ra ngoài, tôi háo hức tạt vào.

Sạp báo của chị Năm chỉ còn là chiếc ghế nhựa nhỏ, lơ thơ mấy tờ nhật báo phất phơ. Chị vừa giao báo, vừa thở dài: “Bây giờ vừa bán vừa chạy thôi anh!”. Dịch COVID bùng phát lớn, toàn thành phố phải giãn cách diện rộng và nghiêm ngặt, những người như chị Năm bán báo sẽ “chạy” đi đâu?

Một sạp báo thân quen khác của tôi cũng đã “chạy” đâu mất. Đó là sạp báo của chị Hương, nằm bên hông trụ sở UBND quận 3 trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Thật không ngờ tôi mua sách mua báo ở chỗ chị Hương đã đến hơn 40 năm. Đây là một trong vài sạp báo hiếm hoi đã hoạt động xuyên suốt những biến động của Sài Gòn.

Mấy mươi năm trước, rải rác trong thành phố có một số kiốt vuông vắn bằng gỗ hoặc xây gạch là nơi vừa bán báo vừa đặt điện thoại công cộng. Nhà chị Hương sở hữu một kiốt gỗ như vậy, cả nhà “chuyên” bán báo từ những năm 1970.

Tôi thích những kiốt kiểu đó - giống như một tiệm tạp hóa thu nhỏ, đủ loại sách báo, tem thư, bưu ảnh, đồ chơi và cả bánh kẹo. Sau này đi các nước Âu Mỹ, tôi thấy trên vỉa hè vẫn có nhiều kiốt bán báo và tạp phẩm tương tự.

Dù thiết kế theo kiểu cổ điển hay hiện đại, chúng luôn mang vẻ duyên dáng và trở thành một biểu tượng văn hóa trong không gian các đô thị lớn!

Tại kiốt của gia đình chị Hương, từ thời sinh viên, tôi thường gặp người anh trai của chị đeo kiếng cận dày cộp. Anh tinh thông nhiều loại sách báo và sẵn sàng tán dóc đủ chuyện văn chương, thời sự, bóng đá với khách quen.

Cuối những năm 1980, khi Mỹ còn chưa bỏ cấm vận, biết tôi làm báo, anh thường ưu tiên để dành những số tạp chí Time, Newsweek, Asiaweek cực hiếm. Không ngờ, cái kiốt bán báo độc đáo ấy vào cuối những năm 1990 bỗng bốc hơi sau một lần phường quận kiên quyết dọn dẹp lòng lề đường!

Gia đình chị Hương chuyển sang bán báo trên xe đẩy rồi lại bị “dẹp” lần nữa. Vậy rồi chị bày báo dọc theo tường rào ở cuối dãy nhà. Khoảng trống thông gió trên tường rào trở thành kệ trưng báo quyển và các loại tạp chí. Dựa vào tường rào, chiếc xe đạp đầm của chị là nơi treo toòng teng các tờ báo ngày và nhiều giấy mẫu đơn từ linh tinh.

Chị và người em gái - sau bao nhiêu năm vẫn gầy gò, thường đội nón lá, nón vải, cặm cụi bán báo từ sáng đến chiều. Mưa tạt nắng gắt, chị căng tạm chiếc bạt cũ để trú ẩn.

Kiên nhẫn vậy, thế mà một tháng trở lại đây chiếc “lều báo” của chị đã biến mất. Tòa nhà UBND quận 3 vừa được sơn sửa rạng rỡ để làm Nhà thiếu nhi. Vì COVID hay vì tòa nhà mới mà sạp báo của chị không còn?

Quả thật nếu dịch COVID không xảy ra thì nghề báo và nghề bán báo vẫn gặp nhiều trắc trở. Thời buổi lướt báo online, lướt Facebook và YouTube là một nguyên nhân lớn của việc sụt giảm số lượng báo giấy ở khắp thế giới.

Đã vậy, ở Việt Nam, nghề bán báo vỉa hè vẫn bị coi là nghề tự do, không có nghiệp đoàn, không có bảo hiểm, không có hành lang pháp lý để đảm bảo chỗ bán lâu dài.

Những chị bán báo rất bền gan bảo tôi: “Báo nghỉ, tôi mới nghỉ”.

Báo nghỉ, tôi mới nghỉ - Ảnh 3.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

'Chúng tôi tin và sẽ hết mình cùng Tuổi Trẻ'

TTO - Rất nhanh chóng, chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các nhà hảo tâm, tổ chức và doanh nghiệp.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp