Lọ vắc xin Sputnik V - Ảnh: REUTERS
Trước đó, ngày 12-7, Chính phủ Việt Nam ra nghị quyết nêu rõ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế, có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V của Liên bang Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 Việt Nam).
Trong diễn biến liên quan, ngày 24-9, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, công bố đóng lọ thành công lô vắc xin Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam.
Cụ thể, lô vắc xin Sputnik V đầu tiên ra lò tại VABIOTECH đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.
Theo kế hoạch, vắc xin Sputnik V do VABIOTECH sản xuất sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn dân.
Cùng ngày 24-9, trang Facebook của Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng chia sẻ bài báo phân tích về những nội dung mang ý nghĩa lớn trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trong bài, Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá, trong thời gian qua, Việt Nam và Nga đã hợp tác hết sức hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống dịch COVID-19. Hai bên có những giải pháp hỗ trợ lẫn nhau hết sức kịp thời, trao đổi thực chất, qua đó đạt được những kết quả tích cực.
Một trong những kết quả đó là việc Công ty VABIOTECH đóng lọ thành công vắc xin Sputnik V và đã nhận được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ Viện Gamaleya. Trong thời gian tới, VABIOTECH sẽ sản xuất Sputnik V với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhận định việc VABIOTECH thực hiện đóng lọ thành công vắc xin Sputnik V có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tại Việt Nam, Sputnik V là vắc xin duy nhất đã có thành công bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ. Qua đó, tạo tiền đề cho việc không những bảo đảm nhu cầu vắc xin trong nước, mà còn từng bước đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất vắc xin Sputnik V ở khu vực Đông Nam Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận