Bà Nguyễn Thị Kim Ba, ấp Tân Hưng Tây, xã Tân Hòa Tây, phải thường xuyên sử dụng nước ô nhiễm lóng phèn để dùng - Ảnh: THANH TÚ
Dưới kênh, một màu nước nhiễm phèn. Người dân nuôi vịt dưới kênh. Không còn nguồn nước khác, người dân tắm giặt với nước từ kênh này… Người dân bao lần kiến nghị nhưng nguồn vốn còn ở xa quá!
Tắm chung với vịt!
Mùa này nước lũ rút, phần lớn những ô ruộng của người dân xả nước ra để gieo sạ vụ đông xuân. Dưới kênh, dòng nước vàng quánh, lợn cợn bùn, phù sa. Từng bầy vịt tàu, vịt xiêm các hộ dân nuôi thả dưới kênh, nước ô nhiễm cứ thế chảy theo con nước lớn ròng. Và bà con ở đây bơm nước dưới kênh này lên lóng phèn sử dụng. Nhiều người không kịp bơm lên lóng phèn, cứ tắm giặt ngay dưới dòng kênh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ba (66 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng Tây, xã Tân Hòa Tây) cho biết do nguồn nước ô nhiễm quá nhiều, con cháu trong nhà tắm bị ngứa, dùng xà bông sát khuẩn nhưng cũng không khỏi ngứa. Để có nước sạch ăn uống, gia đình bà đã có mấy hồ chứa nước mưa. Nhưng lượng nước có hạn nên chỉ có thể dùng cho ăn uống. "Nhà tui đã từng khoan 3 mũi giếng nhưng chẳng mũi nào sử dụng được, đành phải dùng nước kênh, nói nôm na là phải chấp nhận tắm chung với vịt" - bà Kim Ba nói.
Ông Nguyễn Minh Hùng, một người dân cùng ấp, cho biết lần nào họp tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ảnh lên chính quyền, mong chính quyền hỗ trợ kéo đường ống nước sạch cho dân xài. "Như thế này hoài, dân tụi tui sống khổ quá! Người dân rất mong mỏi Nhà nước sớm đầu tư đường ống nước sạch sinh hoạt cho dân nhờ" - ông Hùng nói.
Cần nguồn vốn
Ông Trương Văn Xinh, chủ tịch UBND xã Tân Hòa Tây, xác nhận khu vực này hiện còn khoảng 100 hộ dân chưa có nước sạch sinh hoạt hằng ngày. Chính quyền địa phương cũng thấu hiểu nỗi khổ của người dân lâu nay. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư có giới hạn nên chưa thể giải quyết nguyện vọng người dân.
"Chúng tôi rất mong sớm có được nhà đầu tư nào đó hỗ trợ địa phương đầu tư hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt. Mong muốn này chắc khó thực hiện nếu nhà đầu tư cũng tính đến lợi nhuận. Mong lắm nguồn đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân ở đây" - ông Xinh nói.
Theo ông Xinh, hiện trên địa bàn xã chỉ có 60% người dân được cung ứng nước sạch sinh hoạt. Còn lại 40% người dân chưa có nguồn nước sạch sinh hoạt. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước có giới hạn. Địa bàn xã Tân Hòa Tây rộng, cư dân sống rải rác ở các tuyến kênh nên việc kéo đường ống tốn chi phí nhiều, chưa xin được nguồn vốn nhà nước, dù dân ở đây bao năm mong lắm...
Khẩn trương chi vốn cho công trình nước sạch
Ông Nguyễn Thanh Quí, chủ tịch UBND huyện Tân Phước, cho biết thời gian vừa qua, phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển được ưu tiên sử dụng cho việc đầu tư vào các công trình "nông thôn mới". Do đó, việc đầu tư vào các công trình dân sinh ở các xã chưa được chọn lên xã nông thôn mới có chậm trễ.
Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến phản ảnh của cử tri, ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh đầu tháng 12 vừa qua, UBND huyện Tân Phước đã mời Công ty Cấp thoát nước Tiền Giang đến khảo sát thực tế tại khu vực các hộ dân phản ảnh.
Thay vì phải đợi xin vốn ngân sách để đầu tư giai đoạn 2019-2020, UBND huyện đã quyết định sử dụng nguồn vốn sự nghiệp môi trường để đầu tư ngay trong năm 2019. Tổng kinh phí dự toán khoảng 2 tỉ đồng.
"Trong kỳ họp HĐND huyện tuần này, UBND huyện sẽ xin ý kiến HĐND huyện để đưa nguồn vốn sự nghiệp môi trường năm 2019 vào thi công ngay hệ thống cung ứng nước sạch cho bà con khu vực bắc kênh Bao Tràm này" - ông Quí khẳng định.
THANH TÚ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận