Vốn là dân Nam Trung Bộ, từ nhỏ tôi không lạ gì với các trận bão nhiệt đới tàn phá quê nhà. Khi sang Mỹ định cư, những trận cuồng phong ôn đới lại là nỗi ám ảnh khôn nguôi vào dịp cuối năm.
Toàn cảnh bão Milton đổ bộ vào bang Florida, Mỹ
Tôi sống ở ngoại ô thủ đô Washington D.C., vốn khá yên ổn và ít chịu ảnh hưởng của bão. Nhưng 12 năm trước, siêu bão Sandy đã càn quét 22 tiểu bang dọc Đại Tây Dương và những đảo quốc ở vùng vịnh Caribê đã để lại trong lòng một vết sẹo hằn sâu kèm nỗi sợ hãi không xóa mờ nổi. Đó là cơn siêu bão thất thường với sức hủy diệt đáng sợ, vượt qua cả hệ thống đê biển hàng trăm năm tuổi của Mỹ để vào sâu đất liền, làm ngập lụt, tàn phá nhà cửa, hạ tầng của những thành phố cũ kỹ của nước Mỹ. Và ngay lúc này, cơn bão Milton lại gợi về những ám ảnh đáng sợ đó của thiên tai.
Kỳ nghỉ ớn lạnh
Từ Việt Nam quay lại Mỹ, trong phòng chờ của ANA ở sân bay Haneda (Tokyo), tôi gặp Duy, vừa về thăm gia đình hai tuần ở TP.HCM và đang bay tới Chicago, từ đó nối chuyến về Tampa. Nhưng hiện nay chuyến bay thứ hai đang trong tình trạng chờ vì sân bay sắp đóng cửa.
Duy than: "Em gọi United quá trời mà họ không giúp được gì. Tới Chicago em sẽ nói chuyện tiếp. Còn không, em phải ngủ lại sân bay hoặc ra thuê khách sạn gần đó ở vài ngày chờ qua bão. Biết vậy, em ở Việt Nam thêm ít ngày nữa cho rồi".
Ở Mỹ, nếu các chuyến bay bị trễ hay hủy chuyến do máy bay bảo trì hoặc phi hành đoàn không về kịp, hãng sẽ thu xếp khách sạn cho ở. Trong trường hợp thời tiết xấu thì hãng có quyền làm ngơ một cách vô cùng hợp pháp.
Dì Chiếu, mẹ của Thủy, gọi điện kể tôi nghe về kỳ nghỉ ớn lạnh ở Clearwater (Florida). Dì tới vùng vịnh Tampa sau bão Helene để thăm bạn và tắm biển. Tới nơi, đi lòng vòng chẳng thấy biển xanh mà khắp nơi toàn rác. Những đống xà bần khổng lồ gồm bàn ghế, tủ giường, nệm của khách sạn và rác từ các nơi khác tràn về được chính quyền tập kết lại thành đống trên bờ. Thành ra đi chơi mà dì ở nhà suốt.
Tối chủ nhật (6-10) dì biết tin ngày thứ hai (7-10) phi trường Tampa sẽ đóng cửa. Sáng hôm sau, dù 9h tối mới bay, nhưng từ 12h trưa dì đã nhờ người quen chở ra sân bay để về lại Houston (Texas) bởi các cây cầu bắc qua các đảo sẽ bị chặn lại.
Từ nhà ra sân bay thay vì 30 phút đã kéo dài thành 4 tiếng đồng hồ. Xe nhích từng chút một. Dì nói lúc ấy sợ vô cùng. Trong bụng đánh lô tô, nghĩ thầm, có khi mình chưa chết vì bão thì lại đi tong do sập cầu, khi hàng ngàn chiếc xe chất đầy trên cầu làm tăng trọng tải.
4h chiều dì cũng tới được sân bay. Và sau đó là năm tiếng đồng hồ lên ruột đợi chờ vì sợ chuyến bay bị hủy. Mấy đứa con ở Houston gọi cho mẹ liên tục. Đứa nào cũng tự trách vì để mẹ đi một mình, tiếng Anh tiếng u không rành. Lỡ kẹt lại không biết phải làm sao, khi bay lên không được, bay xuống cũng chẳng xong, lái xe đi đón thì càng bất khả thi. May mắn thay, cuối cùng chuyến bay chỉ bị delay chứ không hủy. Về tới Houston dì thở phào, kêu từ đây về sau không dám đi chơi một mình nữa.
Trong lúc ngồi chờ, dì có gặp một gia đình Việt đang bay sang Dallas tránh bão. Thiệt ra họ cũng muốn ở lại Florida cho gần nhà. Nhưng khách sạn khắp tiểu bang không còn phòng trống nên bay sang nhà người quen trú ẩn cho rồi. Bà mẹ than, 40 năm nay hầu như năm nào cũng từ Việt Nam sang chơi với con cháu. Nhưng năm nay mới ba tuần mà đã chạy bão hai lần rồi. Bà nói với con, sao không dọn đi tiểu bang khác ở cho rồi. Chứ vầy hoài mẹ không dám qua thăm luôn quá.
Hối hả tránh bão
Xuyến, cháu gái tôi hiện đang học ở thành phố Tampa. Năm thứ ba sống ở đây nên nó rất quen với những trận bão gây ngập lụt khắp nơi. Hai tuần trước, khi bão Helene tràn vào thì cũng không đáng sợ như giờ. Và đây là lần đầu tiên Xuyến phải di tản tới nhà người quen ở TP Riverview, cách Tampa khoảng 15 dặm để trú ẩn vì nơi đó cao hơn, đỡ sợ ngập.
Cách đây một tuần, trường Xuyến thông báo cho nghỉ học nguyên tuần khi các nhà khí tượng dự báo Milton ở cấp độ 5 (tốc độ gió khoảng 252km/h). Từ thứ hai tới thứ ba, người ta đổ xô đi siêu thị mua nước với đồ ăn.
Chính quyền đã chia zone (vùng) bị ảnh hưởng bởi bão. Hai zone A với B là vùng nguy hiểm, nên cảnh sát đi vòng vòng phát loa kêu đi tránh bão vì có nhiều người không chịu đi. Dân cư ở vùng gần biển đã đi trú ẩn hết rồi. Vào ngày thứ ba, chỗ Xuyến ở bị bắt buộc di tản vì sẽ ngập lụt.
Trước khi di tản, người dân ở các khu chung quanh đã mua bao cát lèn mái với tôn và ván gỗ để chèn cửa sổ lại. Lúc ấy điện nước vẫn bình thường. Chỉ khi nào bão vào, lụt ngập thì mới cúp điện phòng ngừa tai nạn. Nhưng vẫn còn rất nhiều người dân ở xa vùng biển không chịu rời đi.
Nhiều gia đình bạn của Xuyến cũng chấp nhận ở lại. Một phần họ chủ quan do xa bờ, phần còn lại sợ bỏ cửa nhà, tài sản lớn nhất của mình, không người coi ngó. Hai bữa nay, cao tốc kẹt xe quá trời vì người ta lái lên phía Bắc hoặc xuống Miami để tránh bão. Nhiều người không đi xa được thì vô điểm trú tạm (shelter) trong mấy trường học để trú bão. Sáng nay Xuyến than "bão vô mới có 30 dặm/h mà gió thổi bung nóc, con ớn tới óc rồi. Không biết khi cuồng phong lên tới hơn 100 dặm/h thì sao nữa".
Những năm gần đây, Florida ấm áp, khí hậu ôn hòa, thuế thu nhập thấp luôn là sự lựa chọn của các "snowbird" (những người giàu từ phương Bắc bay xuống tránh lạnh vào mùa đông và quay trở lại nhà vào mùa hè), người hưu trí hay người trẻ tuổi chán ngán các tiểu bang lạnh lẽo di cư tới ở.
Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, các trận bão ở vùng vịnh Caribê và vịnh Mexico ngày một khó lường, có lẽ nhiều người trong số họ sẽ suy nghĩ lại trước khi dọn xuống đây, hay tốn nhiều tiền hơn để mua bảo hiểm lũ lụt. Vì chỉ trong một trận cuồng phong của mẹ thiên nhiên, bao tài sản dành dụm của họ sẽ trôi theo dòng nước lũ đục ngầu, cuồng nộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận