Bị cáo Nguyệt (trái) khóc suốt phiên tòa - Ảnh: T.L. |
HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, quê Ninh Bình) 48 tháng tù, Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý nhà mở tại chùa Bồ Đề) 42 tháng tù cùng về tội mua bán trẻ em.
Về dân sự, tòa ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo Nguyệt trả cho anh Nguyễn Văn Vũ 40 triệu đồng, trả cho anh Phạm Đức Hữu hơn 70 triệu đồng. Tòa ghi nhận bị cáo Trang tự nguyện trao trả 35 triệu đồng là số tiền thu lợi bất chính từ việc bán trẻ em để sung công quỹ nhà nước.
Cháu Cù Nguyên Công đã chết, tòa không chấp nhận yêu cầu của bị cáo Nguyệt được nhận lại thi thể cũng như giấy tờ khám chữa bệnh của cháu Công.
Theo HĐXX, tại tòa các bị cáo không thừa nhận việc dùng tiền để trao đổi cháu Cù Nguyên Công nhưng có đủ căn cứ để xác định các bị cáo đã dùng tiền để mua bán cháu Công. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền thân thể của trẻ em. Xét tính chất mức độ của hành vi, bị cáo Nguyệt là người khởi xướng nên cần xử bị cáo Nguyệt cao hơn bị cáo Trang.
Trước đó, đại diện Viện KSND quận Long Biên giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị từ 48-50 tháng tù đối với bị cáo Nguyệt, từ 45-48 tháng tù đối với bị cáo Trang.
Theo đại diện VKS, tại tòa cả hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt đã thừa nhận hành vi mua bán trẻ em như cáo trạng truy tố.
Trước đó khi bào chữa cho bị cáo Nguyệt, luật sư Hoàng Ngọc Thành (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc bị cáo nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi là do lòng thương. Hành vi của bị cáo đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Trước các mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn nhưng bị cáo đã giang rộng vòng tay đón các trẻ mồ côi, cơ nhỡ về nuôi. Nguyệt chỉ có thiếu sót là thiếu hiểu biết pháp luật trong các thủ tục nhận con nuôi chứ không cố ý phạm tội.
Trong khi đó, luật sư Trần Thị Hương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, cho rằng bị cáo Trang là quản lý nhà mở chùa Bồ Đề đã làm lộ thông tin cá nhân của cháu Công và chị Trần Thị Thu Hà (mẹ cháu Công).
Trên cơ sở đó, bị cáo đã thực hiện hành vi mua bán trẻ em. Để việc mua bán trẻ em thành công, bị cáo đã có hàng loạt thủ đoạn: không ghi sổ cháu Công vào chùa, nhờ người đóng giả chị dâu để xin con nuôi, cho cháu về với mẹ đẻ để làm thủ tục cho cháu cho người khác, lừa cha đỡ đầu của cháu Công để bán cháu Công cho người khác...
Đối với bị cáo Nguyệt, đã nhận 2-3 đứa trẻ về nuôi nhưng coi thường pháp luật. Tại tòa Nguyệt liên tục nhận là có tội, không đủ tư cách nuôi dưỡng các cháu. Nguyệt lừa dối hai anh Hữu và Vũ, lừa dối quá nhiều người từ Hà Nội xuống Ninh Bình để làm giấy khai sinh cho các cháu.
Theo luật sư, hành vi mua bán trẻ em của các bị cáo đã hoàn thành. Bị cáo Nguyệt có hai đứa con gái, tuy nhiên bị cáo bỏ con ở quê một năm ở với bà nội, một năm ở với bà ngoại, không chăm sóc các con đẻ của mình. Nếu thực sự thương các cháu, bị cáo Nguyệt đã không mang đứa trẻ nhiễm HIV vào chùa Bồ Đề để gửi sau đó nhận đứa trẻ khỏe mạnh về nuôi. Luật sư đề nghị tòa xem xét hành vi của bị cáo Nguyệt về tội mua bán trẻ em và lừa đảo nhiều người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận