Theo ABC News, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết một đợt phun trào khối lượng vành nhật hoa (CME) vừa xảy ra vào tối 8-10 và dự kiến sẽ tác động đến Trái đất trong ngày 10-10 (giờ Mỹ).
NOAA đã ban hành cảnh báo bão địa từ G4 hiếm gặp, cho thấy có khả năng xuất hiện những tác động có hại đến thông tin liên lạc và lưới điện.
Theo NASA, bão Mặt trời, hay bão địa từ, xảy ra khi các hạt mang điện phóng ra từ các vụ phun trào trên Mặt trời tương tác gây xáo trộn từ trường của Trái đất.
Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của tác động từ CME đến Trái đất là sự xuất hiện của cực quang (aurora). Bão Mặt trời càng mạnh thì cực quang ở phía bắc có thể được nhìn thấy xa hơn về phía nam. Khi đi xa hơn về phía nam, cực quang có màu đỏ thay vì xanh.
Theo NOAA, hiện tượng cực quang có thể quan sát được tại phần lớn các khu vực miền bắc nước Mỹ, thậm chí có thể xa tới bang Alabama và phía bắc của bang California.
Cơn bão Mặt trời này cũng có thể gây ra gián đoạn với hệ thống GPS, tín hiệu radio và ảnh hưởng đến lưới điện.
Bão Mặt trời có thể bổ sung năng lượng cho các dòng điện trong từ trường của Trái đất, gây biến đổi mật độ khí quyển và tạo thêm lực cản cho các vệ tinh ở quỹ đạo thấp.
Tuy nhiên sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày và lưới điện cũng được trang bị để xử lý các rối loạn nhỏ do hoạt động bất thường trên các đường dây truyền tải điện cao thế - ông Shawn Dahl, điều phối viên của NOAA, nói với ABC News.
Mỗi chu kỳ Mặt trời kéo dài khoảng 11 năm. Trong giai đoạn "cực đại Mặt trời", số lượng các hiện tượng bùng nổ năng lượng mạnh tăng cao.
Chu kỳ hiện tại của Mặt trời là chu kỳ 25, chính thức bắt đầu vào đầu năm 2019, và dự báo sẽ đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 11-2024 đến tháng 3-2026, theo NOAA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận