24/12/2017 08:30 GMT+7

Bão mạnh uy hiếp Nam Bộ

VIỄN SỰ thực hiện
VIỄN SỰ thực hiện

TTO - Ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - đầy lo lắng cho người dân Nam Bộ khi trao đổi với Tuổi Trẻ trước cơn bão Tembin (Thiên Bình, tên một chòm sao do Nhật Bản đặt).

Bão mạnh uy hiếp Nam Bộ - Ảnh 1.

Ngư dân Phú Quốc đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão Tembin - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG TRUNG

"Đồng bào Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ rất có thể phải đối mặt với thảm họa là cơn bão Tembin (bão số 16) ngay dịp Noel. Bão xuất hiện vào cuối năm với sức gió trên biển cấp 11, 12 là điều chưa từng ghi nhận trong lịch sử quan trắc khí tượng", ông Hải nói.

Bão Nam Bộ tàn phá mạnh hơn miền Trung

* Vì sao có thể phải đưa ra cảnh báo cấp 5 - cấp thảm họa, cấp cảnh báo cao nhất với bão Tembin, thưa ông?

- Theo quyết định về cấp độ rủi ro thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, riêng với Nam Bộ bão cấp 12 giật cấp 14, 15 là cấp độ rủi ro cấp 5 - thảm họa. 

Nếu bão Tembin vào bờ cấp 10, 11 như bão Linda thì sẽ đưa ra cấp độ rủi ro cấp 4 - rủi ro rất lớn, nhưng nếu bão tăng lên cấp 12 trong đất liền thì sẽ phải đưa ra cấp độ rủi ro thảm họa. Hiện chúng tôi đang theo dõi để đưa ra cấp độ phù hợp nhất.

Trong lịch sử chưa bao giờ phải đưa ra cấp độ rủi ro thảm họa. Tuy nhiên, dù cấp rủi ro nào đều phải cảnh giác đặc biệt với các cơn bão ở Nam Bộ hơn các khu vực khác vì địa hình ở đây bằng phẳng, trống trải, nhà cửa thấp, ít kiên cố nên sức tàn phá rất lớn. 

Ở Nam Bộ gió bão cấp 8, cấp 9 sức tàn phá sẽ tương đương cấp 12, 13 ở miền Trung.

Chúng ta đang hi vọng khi vào bờ bão sẽ suy yếu đi nhưng sự suy yếu của bão ở vùng Nam Bộ rất khác với miền Trung và miền Bắc. Bão vào miền Nam sẽ không thể giảm nhanh cấp gió vì không có núi, đồi.

Ngay cả sự suy yếu cũng rất khác, không giảm nhiều về cấp gió mà chỉ thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng. Kể cả vào giai đoạn cuối trước khi "chết", thu hẹp lại còn như một cơn lốc xoáy thì bão vẫn rất nguy hiểm. 

Khi đó có tình trạng là vùng này không thấy gì nhưng vùng gần đó gió vẫn rất mạnh. Chủ quan là thiệt hại khôn lường.

Đi kèm với bão phải đặc biệt cảnh giác với dông, lốc, vòi rồng, có thể xuất hiện ở cả những vùng không gần tâm bão. 

Gần đây, bão Pakhar (tháng 4-2012) vào miền Đông Nam Bộ, đi qua TP.HCM, gió không mạnh lắm nhưng lại gây dông lốc nhiều nơi. Thậm chí ở hồ Trị An (Đồng Nai) nằm sâu trong đất liền nhưng đo được gió rất mạnh.

Bão Tembin cũng có thể gây ra một đợt mưa khá lớn tại miền Đông và miền Tây Nam Bộ, ở lưu vực sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ có thể gây ra một đợt lũ trái mùa.

* Có bài học từ cơn bão Durian năm 2006 là trước khi vào đất liền, bão đột ngột tăng cấp và ngoặt hướng, không vào Nam Trung Bộ như dự báo mà quét qua đảo Phú Quý, đi vào Vũng Tàu, Cần Giờ (TP.HCM) rồi đổ vào Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre) gây thiệt hại nặng nề. Tình huống này có khả năng xảy ra với bão Tembin?

- Khả năng này đang được chúng tôi theo dõi hết sức chặt chẽ và phải cảnh giác cho dù việc đổi hướng và tăng cấp gió so với dự báo sẽ không nhiều. Hiện ở phía Bắc đang có không khí lạnh tăng cường nhưng yếu, khó hi vọng sẽ làm bão suy yếu vì không khí lạnh chỉ đến miền Trung chứ không đến được Nam Bộ.

Bão Tembin sẽ mạnh nhất là khi ngang qua nam quần đảo Trường Sa, đạt cực đại khi đi vào phía Côn Đảo. Bão trên biển sẽ mạnh hơn đất liền rất nhiều, do đó khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK, các đảo như Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc, quần đảo Nam Du... cần đặc biệt cảnh giác. 

Tàu thuyền trên các vùng biển này nên di chuyển tránh bão về phía nam sẽ an toàn hơn di chuyển về phía bắc. Vì hoàn lưu bão ở phía bắc mạnh hơn và kết hợp với không khí lạnh nên sẽ nguy hiểm hơn.

Sức gió khả năng vẫn rất mạnh khi vào sâu đất liền

* Đến thời điểm này có thể đưa ra kịch bản nào với bão Tembin, thưa ông?

- Hiện nay cơn bão này khó nói được là sẽ đi vào miền Đông hay miền Tây Nam Bộ. Kịch bản ít thiệt hại hơn là bão đi vào miền Đông Nam Bộ, vào phía Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi lên Đồng Nai, Tây Ninh. 

Tuy nhiên, không loại trừ bão đi qua khu vực giữa miền Tây, miền Đông, thậm chí là đi xuyên qua bán đảo Cà Mau ra biển Tây rồi hồi phục mạnh trở lại.

Tất cả các khả năng này đều phải phòng chống ngang nhau. Từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau, Kiên Giang đều phải cảnh giác. Dự báo thì chỉ là dự báo, chưa thể khẳng định bão sẽ vào đâu.

Đừng chỉ chú trọng vào mỗi tâm bão, vì chỉ đến trước khi vào bờ 12 - 24 tiếng đồng hồ, nhờ rađa thời tiết mới xác định thu hẹp vị trí tâm bão. Các tỉnh miền Tây cách nhau rất ngắn nên bão chỉ xê dịch một chút là tâm bão chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. 

Kể cả vùng châu thổ sâu trong đất liền cũng phải cảnh giác cao độ vì khi bão vào sâu trong đồng bằng thì gió vẫn không giảm đi nhiều.

Chúng ta phải cảnh giác tối đa để tránh lặp lại thiệt hại nặng nề như bão Linda, Durian.

3 cảnh báo

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo trong phiên họp trực tuyến với các địa phương sáng 23-12.

q Với khu vực người dân có ít kinh nghiệm phòng chống bão, dễ bị tổn thương về nhà cửa, nuôi trồng thủy sản... thì phải phòng chống với mức độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa.

q Bão Tembin có phạm vi ảnh hưởng trên biển rất lớn, đang hướng đến ĐBSCL là khu vực dễ tổn thương. Vì vậy, chủ quan trong phòng chống sẽ gây thiệt hại lớn.

q Bảo vệ lồng bè nuôi thủy sản, không để người ở lại trên lồng bè, kiên quyết sơ tán dân khỏi khu vực xung yếu, hướng dẫn dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ...

T.PHÙNG

Bão Tembin vào Biển Đông

Theo bản tin cuối ngày 23-12 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khoảng 22h tối qua, bão Tembin đã vượt qua phía nam đảo Palawan (Philipines) vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 16, với sức gió cấp 10-11, giật cấp 14 vùng gần tâm bão.

Dự báo hôm nay (24-12) bão đi nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 22h tối nay, bão ở phía đông đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10m.

Đến 22h tối mai (25-12) tâm bão ở trên vùng biển Côn Đảo, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 150-250km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 14, sóng biển cao 7-9m, gió giật mạnh trên cấp 9, có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão.

Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13, có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão. Sau đó bão sẽ đi thẳng theo hướng tây vào hướng đất liền Nam Bộ.

VIỄN SỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp