Các cô gái mặc trang phục truyền thống áo dài dự một lễ hội văn hóa ở Hà Nội vào ngày 7-4-2019 - Ảnh: AFP
Đông Nam Á ngày càng trở thành một điểm đến yêu thích và hấp dẫn với du khách. Một thành tích phải kể tới là trong quý 1 năm ngoái, lượng du khách đến Đông Nam Á tăng tới 9,4%, vượt xa mức tăng trung bình 6% của thế giới trong cùng kỳ, là con số cao nhất được ghi nhận trong số tất cả khu vực.
Trong đó, Thái Lan là quốc gia có lượng du khách ghé thăm đông nhất trong khu vực, với hơn 35 triệu lượt người vào năm 2017. Xứ sở chùa vàng cũng đứng thứ 4 về thu nhập cao nhất từ du lịch trên toàn cầu, với 81 tỉ USD trong năm 2017, chỉ sau Mỹ (299 tỉ USD), Tây Ban Nha (96 tỉ USD) và Pháp (86 tỉ USD).
Tuy nhiên, trong bài viết có tiêu đề Sự trỗi dậy của ngành du lịch Việt Nam đầu tháng này, báo ASEAN Post của Malaysia đánh giá cao ngành du lịch của Việt Nam, và nhận định Việt Nam hiện là một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực du lịch ở khu vực Đông Nam Á.
Một thành tích đáng nể của quốc gia hình chữ S là trong năm 2017, lượng du khách đến Việt Nam tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với mỗi du khách chi trung bình 685 USD (16 triệu đồng).
Theo ASEAN Post, vị trí ngôi sao đang lên của Việt Nam có được là nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nuôi dưỡng cho ngành du lịch mang tính thu hút tốt hơn, cũng như thấu hiểu và giải quyết các thách thức đang đối mặt.
Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng và Quốc hội về phát triển du lịch đã tạo ra môi trường thuận lợi cho ngành du lịch phát triển. Kế đến, những nỗ lực to lớn của các địa phương và doanh nghiệp trong những năm qua đã giúp tạo ra một hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch.
Đóng góp một phần không nhỏ là việc cải thiện hệ thống giao thông, đơn giản hóa thủ tục visa du lịch, điều chỉnh giá điện và dịch vụ đầu vào để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, cũng như đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Việt Nam còn quyết tâm và tập trung nỗ lực xúc tiến thương mại, văn hóa tới các thị trường khác. Trong năm 2017, nhiều chương trình xúc tiến du lịch đã được thực hiện, với sự mở rộng cả về phạm vi và quy mô.
Cũng trong năm 2017, đã có 90 cơ sở du lịch ở Việt Nam được công nhận là khách sạn từ 3-5 sao, trong đó có 13 cơ sở được xếp hạng 5 sao, 31 cơ sở được xếp hạng 4 sao và 46 cơ sở được xếp hạng 3 sao.
Hiện nay, Việt Nam có 25.600 cơ sở du lịch, tăng 12% so với năm 2016, trong khi cung cấp hơn 508.000 phòng, tăng 11% so với năm 2016.
Là một vấn đề quan trọng không kém, Việt Nam đã xác định những rào cản cần giải quyết để thu hút du khách hơn nữa. Trong số những rào cản này có chính sách visa hiện còn hạn chế so với các quốc gia khác.
Theo ASEAN Post, dịch vụ di chuyển với giá cả hợp lý của các hãng hàng không giúp đưa du khách tới những nơi xa xôi, trong khi đó xu hướng đi du lịch ngày càng tăng của người trẻ đang giúp thúc đẩy tăng trưởng du lịch.
"Việt Nam và Đông Nam Á nói chung cần tận dụng sự tăng trưởng này, và định vị mình là một trong những điểm đến tốt nhất cho du lịch quốc tế" - bài báo chốt lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận