29/05/2022 13:29 GMT+7

Bạo lực học đường trong trường quốc tế: Đừng phán xét học sinh!

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Theo các chuyên gia, bạo lực học đường là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ đâu với bất kỳ trường học nào, ngay cả ở trường quốc tế. Mỗi học sinh đều có thể bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt.

Bạo lực học đường trong trường quốc tế: Đừng phán xét học sinh! - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ livestream của một phụ huynh tố con bị đánh tại Trường quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC AA) đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây - Ảnh chụp màn hình

Khi một tình huống bạo lực học đường xảy ra, nhiều phụ huynh sẽ bất ngờ, bối rối. Tuy nhiên, trường học không nên có sự bất ngờ đó. Bởi vì, trường học phải có những giáo viên, chuyên gia có nghiệp vụ sư phạm để giải quyết các vấn đề này. Bắt nạt học đường cũng không phải là câu chuyện mới.

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên chia sẻ với Tuổi Trẻ Online

Riêng trong môi trường của trường quốc tế, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa trong giao tiếp và suy nghĩ giữa phụ huynh và nhà trường thường sẽ đặt ra một số khó khăn để tìm tiếng nói chung giữa các bên khi giải quyết các vụ việc bắt nạt học đường.

Điều quan trọng là cần sự phối hợp. Theo ông Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập, trước hết cả cha mẹ và phụ huynh nên quan niệm rằng học sinh bắt nạt hay bị bắt nạt đều là những đứa trẻ vị thành niên. Những sự vụ không hay xảy ra - như vụ việc mới đây đang nóng trên mạng xã hội - sẽ là cơ hội để giáo dục các em ấy trở nên tốt hơn.

Cần có quy trình quản lý rủi ro

Phụ huynh cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động nếu chẳng may rơi vào những tình huống tương tự. 

Cần tôn trọng và tuân theo quy trình đó để các bên cùng nhau giải quyết theo hướng tích cực nhất, ở đó những đứa trẻ sẽ nhận được các bài học giá trị cho mình.

Bạo lực học đường trong trường quốc tế: Đừng phán xét học sinh! - Ảnh 3.

Học sinh tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tương tự, ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - nêu quan điểm cá nhân nên nhìn một vụ việc bạo lực học đường về nhiều phía, nhiều mặt.

Ông cho rằng trong các trường học có yếu tố nước ngoài, phụ huynh dường như có nhiều điều kiện để quan tâm, bảo bọc con hơn so với ở trường công lập. Sự chiều chuộng đôi khi cũng sẽ khiến đứa trẻ có một số sự thái quá trong cư xử với người khác.

Tuy nhiên, theo ông Tân, trong những sự việc như thế không nên phán xét những đứa trẻ mà cần quan tâm nhiều hơn đến cách quản lý các rủi ro trong trường học. Nếu có các bước quản lý tốt, phối hợp giữa cha mẹ và phụ huynh chặt chẽ, có hoạt động kết nối học sinh… các trường sẽ giảm thiểu những nguy cơ các vụ việc bạo lực học đường.

"Nếu quy trình quản lý rủi ro này không tốt, mâu thuẫn của 2 học sinh có thể sẽ phát sinh thành mâu thuẫn giữa 2 bên, 2 phe, 2 gia đình. Một trường dù công lập hay tư thục nếu có cách xử lý rủi ro hợp lý sẽ nhận được sự tin tưởng lớn hơn", ông Tân nói.

Ông Tân cũng cho rằng cần nhiều hơn sự quan tâm giữa cha mẹ với con cái. Nhiều sự việc nhờ cha mẹ can thiệp sớm, con cái được giải thích, được định hướng rõ ràng và mâu thuẫn được can thiệp kịp thời.

Phụ huynh, thầy cô cần bình tĩnh, khéo léo

Chị Phùng Ái Vân - phụ huynh có 2 con học trường quốc tế tại TP.HCM - cho rằng cách ứng xử của phụ huynh và thầy cô một khi sự việc bắt nạt xảy ra phải thật sự khéo léo và cầu thị, tránh vô tình làm ảnh hưởng đến chính con mình.

Chị Vân kể có lần con chị bị bắt nạt tại một trường quốc tế song ngữ ở TP.HCM. Vài ngày sau, chị đến gặp giáo viên chủ nhiệm để nghe thêm thông tin từ cô. Thế nhưng, cô giáo lại lập tức "làm việc" với cả lớp khiến con chị bị một số bạn bè cô lập vì "chuyện bé xé ra to".

Chị Vân đến trường gặp ban giám hiệu để trình bày vụ việc, phản ánh cách làm có phần nóng vội của cô giáo. Nhà trường sau đó đã tổ chức một buổi gặp gỡ thân mật giữa các phụ huynh trong câu chuyện để lắng nghe và mọi chuyện được giải quyết êm đẹp.

Bạo lực học đường trong trường quốc tế: Đừng phán xét học sinh! - Ảnh 4.

Học sinh phổ thông tại Trường quốc tế Úc (AIS) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nhờ chị Vân nhẹ nhàng khi đối thoại với phụ huynh có con bắt nạt con mình, giờ đây cả 2 gia đình hóa ra lại rất thân thiết với nhau. "Tôi nghĩ phụ huynh nên tạo điều kiện cho nhà trường giải quyết vụ việc. Mỗi bên đều phải bình tĩnh thì mọi chuyện sẽ tốt hơn", chị Vân nói.

Ông Barry Sutherland, tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), cho rằng nếu xảy ra những sự việc học sinh xích mích, đánh nhau, trường sẽ nhanh chóng cho 2 học sinh ngồi nói chuyện cùng nhau, dưới sự lắng nghe của đại diện nhà trường, để xem thật sự chuyện gì đã xảy ra. 

Buổi gặp gỡ cũng phải có sự tham gia của nhân viên tư vấn học đường để tìm cách hòa giải các em.

Kế đó, trường sẽ thông báo đến từng phụ huynh. Nếu cần thiết, trường sẽ tiếp tục tổ chức một buổi để phụ huynh 2 bên có thể lắng nghe, đối thoại, dưới sự điều phối của nhà trường. 

"Trách nhiệm của nhà trường là lắng nghe và là cầu nối hòa giải cho các bên", ông Barry nói.

Bất ngờ nhận loạt đánh giá 1 sao, Trường đại học Quốc tế lên tiếng

Sáng 29-5, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) phát đi thông cáo cho biết những ngày vừa qua, tại TP.HCM, một vụ bạo lực học đường diễn ra giữa các em học sinh ở một trường quốc tế khiến rất nhiều phụ huynh, học sinh và cộng đồng bức xúc.

PGS.TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng nhà trường - cho hay hai hôm nay rất nhiều thông tin phản hồi tiêu cực về trường hợp này xuất hiện trên mạng và khiến cho nhiều người phản ứng mạnh bằng cách vào công cụ tìm kiếm của Google và đánh giá 1 sao về chất lượng.

Bạo lực học đường trong trường quốc tế: Đừng phán xét học sinh! - Ảnh 5.

Bài đăng "minh oan" của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: Chụp màn hình

"Sự nhầm lẫn này khiến trường chúng tôi bị ảnh hưởng. Là người làm công tác giáo dục, tôi cũng hết sức thông hiểu sự bức xúc và phản ứng hiện nay của cộng đồng về nạn bạo hành trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, vụ việc đáng tiếc kia không liên quan tới trường chúng tôi", ông Khoa khẳng định.

Trước đó, 2 ngày vừa qua, mạng xã hội "dậy sóng" khi một phụ huynh đã livestream tố việc con gái mình bị đánh tại trường quốc tế ở TP.HCM, bị thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề. Rất nhiều người đã vào trang xếp hạng và đánh giá trên Google để đánh giá Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Các đánh giá từ cộng đồng mạng đều "chấm" 1 sao kèm theo loạt bình luận bức xúc: "trường cực kỳ thiếu văn minh"; "bỏ một khoản tiền lớn ra để đi học, trường không dạy được bọn nó đánh nhau, cô nhìn thấy mà không can ngăn"; "trường kém chất lượng, quá kém về mặt giáo dục"; "mang tiếng là trường đại học quốc tế mà không giải quyết được vụ bạo lực học đường để học sinh bị đánh"… (TRẦN HUỲNH)

Nên xử lý ngay tức thì

Sinh viên Cheng Man Nga (22 tuổi) - hiện là sinh viên Đại học RMIT - chia sẻ trước đây trong khoảng thời gian học tại một trường quốc tế, bạn từng chứng kiến 2 bạn nam cùng lớp chỉ vì đùa giỡn chuyện bút viết mà lớn tiếng tại lớp.

Hết giờ học, thầy giáo đứng lớp yêu cầu 2 bạn ngồi lại lớp trao đổi với thầy, ngày hôm sau đã thấy 2 bạn hòa thuận ngay.

Theo Nga, việc thầy cô phát hiện từ sớm các vụ việc có hơi hướng sẽ dẫn tới bạo lực học đường là vô cùng quan trọng. Thầy cô sẽ là những người "dập tắt" ngay những nguy cơ nhỏ nhất cho từng học sinh của mình.

Đề nghị UBND TP.HCM xác minh xử lý vụ bạo lực tại trường quốc tế Đề nghị UBND TP.HCM xác minh xử lý vụ bạo lực tại trường quốc tế

TTO - Ngày 28-5, Bộ Giáo dục và đào tạo có công văn gửi UBND TP.HCM về việc chỉ đạo xử lý vụ việc bạo lực trong học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA).

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp