19/12/2024 13:37 GMT+7

Bạo lực gia đình: Ai nạn nhân, ai thủ phạm?

Phụ nữ vẫn là nạn nhân chính của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, chính nam giới cũng là nạn nhân (của xã hội) khi họ có hành vi bạo lực với phụ nữ?

Bạo lực gia đình: Ai nạn nhân, ai thủ phạm? - Ảnh 1.

Vợ chồng xúc phạm nhau đều có thể bị phạt hành chính - Ảnh: LAP

Một cặp vợ chồng ở Quảng Bình vừa bị xử phạt hành chính vì có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau, riêng ông chồng bị phạt thêm tội hành hung vợ. Cả hai bị xử theo luật phòng chống bạo lực gia đình và một số luật liên quan.

Nhiều ông chồng bị bạo lực gia đình

Câu chuyện của cặp vợ chồng này làm tôi nhớ đến chuyện của gia đình một người tôi quen biết. Vợ chồng họ cãi nhau thường xuyên. Có lần, trong lúc cãi cọ, chị vợ vớ lấy con dao giơ lên quát anh chồng "mày giết tao đi". 

Nhiều trận cãi nhau vào ban đêm thường kết thúc bằng việc chị vợ đuổi anh chồng ra khỏi nhà. 

Sau vài lần phải ngủ nhờ hàng xóm, anh chồng đã ứng phó bằng cách mang theo chìa khóa nhà để có thể về lại trong đêm.

Anh chồng phải tìm đến tôi để được tư vấn và giải tỏa căng thẳng. Nhưng đáng buồn hơn cả là đứa con của họ phải chứng kiến mọi cuộc cãi vã của bố mẹ.

Hai câu chuyện này đặt ra một góc nhìn khác về bạo lực gia đình. Đó là nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực bằng cách này hay cách khác.

Báo cáo của Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội cho thấy trong năm 2023 cả nước có 3.200 vụ bạo lực gia đình được ghi nhận, trong đó nạn nhân nam chiếm 12,27%. Đáng chú ý, trong khi số vụ bạo lực gia đình giảm so với năm 2022, thì tỉ lệ nạn nhân nam giới lại tăng.

Các số liệu về bạo lực gia đình ở Mỹ cũng cho những kết quả tương đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ bảy nam giới thì có một người từng bị bạo lực thể xác nghiêm trọng từ bạn đời. 

Phụ nữ vẫn là nạn nhân chính của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra: chính nam giới cũng là nạn nhân (của xã hội) khi họ có hành vi bạo lực với phụ nữ. 

Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là vì khuôn mẫu giới "đàn ông phải mạnh mẽ" do xã hội gán cho khiến đàn ông phải chứng tỏ sự "mạnh mẽ" ấy của mình bằng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn với người khác.

Thứ hai, việc phải làm trụ cột gia đình theo khuôn mẫu giới khiến đàn ông bị áp lực và căng thẳng như nồi áp suất chứa đầy hơi nước, và xả ra bằng các hành vi bạo lực thiếu kiểm soát. 

"Trụ cột" mệt không dám kêu, ốm không dám nghỉ

Xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và hạn chế bạo lực trên cơ sở giới. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những thực hành theo chiều ngược lại khiến khuôn mẫu giới được củng cố thêm.

Một trong số đó là chiến dịch quảng cáo "Trụ cột mà, sao dám mệt" của một hãng cà phê. 

Chiến dịch quảng cáo này khắc họa công việc và cuộc sống của một số người đàn ông ở các nghề nghiệp khác nhau với thông điệp: dù vất vả nhưng với vai trò là trụ cột gia đình họ phải luôn cố gắng làm việc kiếm tiền, mệt cũng không dám kêu, ốm cũng không dám nghỉ. 

Thoạt xem, nhiều người sẽ xúc động trước nỗi vất vả của những người đàn ông được mô tả; ý nghĩa nhân văn đã chạm đến trái tim của khán giả. 

Tuy nhiên, cộng đồng những người làm truyền thông về bình đẳng giới và marketing có trách nhiệm đã nhận ra thông điệp độc hại trong chiến dịch quảng cáo của hãng cà phê kia và lên tiếng phản đối. 

Gần đây, quảng cáo của một nhà hàng có câu "Đàn ông lo gạo, đàn bà thổi cơm" tiếp tục bị cộng đồng những người làm về bình đẳng giới đem ra nhặt sạn. Câu này cũng thể hiện định kiến và khuôn mẫu giới tương tự như câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".

Theo nghị định 125/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì chưa có điều khoản quy định trực tiếp liên quan đến hoạt động quảng cáo - tiếp thị. 

Điều 11 của nghị định này chỉ quy định các hành vi vi phạm liên quan đến văn hóa, thể dục, thể thao.

Cụ thể, tại khoản 3 quy định mức phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi "sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền phân biệt đối xử về giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào" hoặc "truyền bá tư tưởng, phong tục, tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức".

Các hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, buộc tháo dỡ, sửa đổi, thay thế, đính chính hoặc tiêu hủy các tác phẩm, văn hóa phẩm vi phạm quy định.

Từ các quy định của nghị định 125 có thể thấy đang có một lỗ hổng trong việc xử phạt các hành vi vi phạm trong quảng cáo - tiếp thị liên quan đến bình đẳng giới. 

Thứ nhất là các doanh nghiệp có thể lách luật khi không coi các hình ảnh và bài viết quảng cáo là văn hóa phẩm. 

Thứ hai là mức xử phạt tiền chưa có tính răn đe.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần thực thi nghị định 125 một cách quyết liệt hơn, hoặc cần phải bổ sung điều khoản trực tiếp về xử lý vi phạm liên quan đến quảng cáo - tiếp thị để góp phần thúc đẩy xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới. 

Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được công bố trong những năm tiếp theo sẽ tốt đẹp hơn.

Bạo lực gia đình: Ai nạn nhân, ai thủ phạm? - Ảnh 3.Nam giới bị bạo lực gia đình ngày càng tăng, có người nhập viện vì bị vợ chém

Một chị cán bộ phụ nữ ở miền Tây cho biết mình từng gặp những vụ chồng bị vợ bạo hành nhưng rất khó để tiếp cận được để giải quyết tận ngọn nguồn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp