21/03/2021 11:21 GMT+7

Bạo lực chống lại người gốc Á ở Mỹ: Người gốc Á phải tự cứu

HẢI TRẦN
HẢI TRẦN

TTO - Người Mỹ gốc Á ở nhiều thành phố đã xuống đường ngày 19-3 để thể hiện 'Mạng sống của người châu Á cũng đáng giá'. Nhưng xem ra họ phải tự lo cho bản thân là chính.

Bạo lực chống lại người gốc Á ở Mỹ: Người gốc Á phải tự cứu - Ảnh 1.

Vị sư tham gia buổi tưởng niệm các nạn nhân người Mỹ gốc Á tổ chức tại New York ngày 19-3 - Ảnh: REUTERS

Những nạn nhân bị sát hại và vô số hành vi bạo lực là hệ quả trực tiếp từ các chính trị gia và nhà lãnh đạo làm thổi bùng lên những ngọn lửa chống châu Á và sử dụng chúng ta như vật tế thần cho (nguyên do) đại dịch toàn cầu.

Jamie Chung (nữ diễn viên Mỹ gốc Hàn, blogger và cựu ngôi sao truyền hình thực tế) viết trên Instagram

Trong một phản ứng được đánh giá là nhanh chóng, Tổng thống Joe Biden cùng Phó tổng thống Kamala Harris đã thân chinh đến thành phố Atlanta để gặp gỡ các lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á (tổ chức AAPI) ở đây nhằm nói về các tội ác mang tính thù hằn sắc tộc.

Nhà Trắng cho biết ông Biden đã điều chỉnh lịch trình làm việc (nói về chương trình kích cầu kinh tế 1.900 tỉ USD) tại bang Georgia vào phút chót để bàn về vấn đề đang nhanh chóng trở thành vấn nạn ở Mỹ.

Giọt nước tràn ly

Số vụ tấn công vào người gốc Á tại Mỹ đã tăng lên nhanh chóng (ông Biden dùng chữ "tăng vọt như tên bắn") đến mức trở thành hiện tượng đáng chú ý ở quốc gia vốn chỉ xảy ra xung đột với cộng đồng người da đen.

Thật ra từ mùa hè năm rồi, những biểu ngữ mang dòng chữ "Asian lives matter" (Mạng sống của người châu Á cũng đáng giá) đã xuất hiện bên cạnh những biểu ngữ mang dòng chữ "Black lives matter" (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) gắn liền với những cuộc biểu tình rầm rộ và nhuốm màu bạo lực ở Mỹ. Cùng với nó là những dòng hashtag "tôi không phải con virus (corona)" đã nhan nhản trên các tài khoản mạng xã hội.

Vụ xả súng làm thiệt mạng một lúc tám người tại Atlanta, trong đó có bốn người Mỹ gốc Hàn Quốc và hai người gốc Á khác, chính là giọt nước làm tràn cơn giận âm ỉ bởi người gốc Á vốn bản tính hiền hòa.

Dù động cơ của hung thủ trẻ tuổi Robert Aaron Long được cho là không dính dáng đến sắc tộc nhưng với những gì đã diễn ra kéo dài với người gốc Á tại Mỹ trong suốt mùa dịch COVID-19 thì không ai không thể liên kết sự việc.

Ông Biden thừa hiểu là người kêu gọi "đoàn kết" trong người dân Mỹ, là người lên án cách hành xử cứng rắn của cảnh sát (dưới trào ông Trump) với người biểu tình da màu, ông không thể để xảy ra những phong trào "Asian lives matter".

Tại Atlanta, ông Biden đã khẳng định: "Sự thù hận không có chỗ trong lòng nước Mỹ. Nếu luật pháp có thể làm cải thiện nhiều việc thì bản thân chúng ta cũng nên thay đổi trong trái tim mình".

Phát biểu này hàm ý đến việc ông Biden đã hối thúc Quốc hội thông qua dự luật về tội thù ghét liên quan đến virus corona do hai nghị sĩ gốc Á đưa ra hồi đầu tháng. Đạo luật về tội thù ghét liên quan đến COVID-19 sẽ thúc đẩy các nỗ lực của Bộ Tư pháp Mỹ để chống lại những hành vi như vậy.

Chưa thể thay đổi

Nhà lãnh đạo của Mỹ cũng không quên hàm ý tình trạng tồi tệ chống người gốc Á hiện nay là hệ quả của những ngôn từ hằn học từ người tiền nhiệm khi gọi virus corona làm điêu đứng cả thế giới và nước Mỹ hiện vẫn chịu ảnh hưởng nặng nhất, là "virus Trung Quốc". Ông Biden nhắc rằng "lời nói có sức mạnh ngàn cân. Cứ gọi nó là virus corona là đủ rồi!".

Trong phát biểu chia sẻ với cộng đồng người Mỹ gốc Á, ông Biden nói: "Cho dù động cơ của hung thủ có là gì thì ta vẫn thấy chắc chắn điều sau đây: người Mỹ gốc Á đang lo sợ và trong năm vừa qua, người Mỹ gốc Á thức dậy mỗi sáng với cảm giác sự an toàn cho bản thân và cho người thân đang bị đe dọa".

Từ đó, ông kêu gọi người dân Mỹ lên tiếng chống lại sự thù ghét, đồng thời cảnh báo "sự im lặng của chúng ta là một dạng đồng lõa" với các hành vi phân biệt chủng tộc.

Mọi việc không thể thay đổi trong một sớm một chiều, cũng như thay đổi nhanh chóng sau những lời động viên, nhắc nhở của Tổng thống Biden. Cờ rủ buộc treo ở các công sở tại Mỹ đến ngày 22-3 liệu sẽ làm dịu đi những cái đầu hằn tư tưởng "thượng tôn da trắng" (như từ dùng của cô Stephanie Cho, thuộc tổ chức Người Mỹ gốc Á thúc đẩy công lý ở TP Atlanta)?

Có lẽ còn lâu lắm. Cho đến giờ, để đảm bảo an toàn cho mình, không ít cộng đồng dân cư nhiều người gốc Á phải làm biện pháp tuần tra tự vệ. Chính quyền nhiều thành phố lớn cũng đã cho tăng cường cảnh sát tuần tra ở các khu dân cư có đông người gốc Á.

3.795

Đó là số vụ việc được khai báo liên quan đến hành động thù địch chống người gốc Á ở Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, theo báo cáo của tổ chức Stop AAPI Hate. Số vụ việc tấn công vì thù ghét trong năm 2020 đã tăng gần 150% so với năm 2019.

Đóng cửa vì tâm lý bài gốc Á, tiệm cà phê Việt ở Mỹ bất ngờ được ủng hộ Đóng cửa vì tâm lý bài gốc Á, tiệm cà phê Việt ở Mỹ bất ngờ được ủng hộ

TTO - Nhận được hàng ngàn USD tiền ủng hộ, quán cà phê có tên "Cà Phê" của chị Jackie Nguyễn ở thành phố Kansas, bang Missouri (Mỹ) đã quyết định tiếp tục hoạt động sau khi đóng cửa vì lo sợ làn sóng chống người Mỹ gốc Á.

HẢI TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp