Trẻ trung, gần gũi, thân thiện với môi trường
Theo anh Khải Dương, đại diện thương hiệu bao lì xì Cổ&Cũ, ý tưởng bao lì xì cách tân đã có từ năm 2015.
Điểm mới lạ của bao lì xì nằm ở những họa tiết. Khi mới tung ra thị trường, Cổ&Cũ nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng. Các mẫu họa tiết trẻ trung, vui nhộn, bắt kịp xu hướng đã thu hút sự quan tâm lớn từ giới trẻ. Ngoài ra, những người lớn tuổi cũng hứng thú với các mẫu đứng đắn như Tết An Nhiên, Đại Thành Công, Bolero…
Mẫu bao lì xì Em gái mưa đang được các bạn trẻ ủng hộ - Ảnh: Cổ&Cũ
Bên cạnh câu chuyện doanh thu, bao lì xì cách tân còn hướng đến việc bảo vệ môi trường. Anh Khải cho biết: "Khác với bao lì xì đỏ truyền thống thường được phủ màng bóng, gắn kim tuyến gây ô nhiễm môi trường, bao lì xì cách tân sử dụng giấy tái chế kraft dễ dàng phân hủy trong tự nhiên, không độc hại và thân thiện với môi trường".
Mùa Tết năm nay, bao lì xì cách tân còn trở thành phương thức gây quỹ mới trong chiến dịch Xuân tình nguyện.
Ngọc Phượng, chiến sĩ Xuân tình nguyện khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, chia sẻ: "Mặc dù bán giá cao hơn một chút, sản phẩm với mẫu mã đa dạng, từ ngữ gần gũi và thiết kế bắt mắt người nhìn.
Việc bán bao lì xì cách tân để gây quỹ vẫn được rất nhiều bạn trẻ, thậm chí các cô chú đứng tuổi ủng hộ. Nhiều người còn bảo tụi mình nên lấy nhiều mẫu hơn để bán, vì đang chuẩn bị vào Tết, khách ưa chuộng".
Để đưa hình ảnh ĐHQG TP.HCM đến hơn gần hơn với cộng đồng và phục vụ cho các chương trình từ thiện sắp tới, Chi đoàn Khối Văn phòng ĐHQG TP.HCM ra mắt hai mẫu bao lì xì dịp Xuân Mậu Tuất 2018.
Cô Nguyễn Thị Hậu, chuyên viên Văn phòng ĐHQG TP.HCM, cho biết: "Là những người tham gia Đoàn, chúng tôi lựa chọn họa tiết tươi trẻ. Qua đó, chúng tôi mong rằng mọi người sẽ luôn mạnh khỏe, tươi trẻ và nhiệt huyết đối với các hoạt động trong suốt một năm sắp tới giống những cán bộ Đoàn viên".
Cách tân nhưng vẫn chấp nhận được
Về tục lì xì ngày Tết, TS Trần Phú Huệ Quang, giảng viên khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, cho biết: "Việt Nam không thấy có câu chuyện giải thích về tục lì xì, nhưng trong dân gian có hiện tượng đeo đồng tiền bình an cho trẻ nhỏ, sợi dây đỏ đeo ở cổ".
Bao lì xì cách tân chế lại những phát ngôn được yêu thích trên mạng xã hội năm qua - Ảnh: TDL
Tục lì xì là một hoạt động giúp không khí Tết thêm vui tươi, náo nhiệt trong nhà. Trẻ con được cho tiền thì mừng vui, đem đến nụ cười cho cả nhà ngày Tết. Hơn thế nữa, trẻ con thường được dạy trước những câu chúc khi nhận bao lì xì, đó là những câu chúc tốt lành dành cho cha mẹ ông bà và những người lớn trong nhà. Điều này mang ý nghĩa giáo dục trong gia đình.
Ngoài ra, tục lì xì còn mang thêm ý nghĩa giao tiếp cộng đồng xã hội. Đến nhà bà con, bạn bè chúc Tết, người ta cũng thường lì xì cho trẻ nhỏ trong nhà. Những điều trên đây mới là ý nghĩa thực sự của tục lì xì.
Cô cho rằng: "Thời nay, những chiếc bao mang màu sắc phong phú, ngoài màu đỏ ra còn nhiều màu khác và thiết kế cũng rất đa dạng, tuy nhiên vẫn còn giữ vẻ xinh xắn, chấp nhận được".
Muốn đánh giá những bao lì xì cách tân tác động như thế nào đến truyền thống tốt đẹp thì phải so lại với những ý nghĩa trên. Hơn nữa, chỉ cần xem xét đối tượng: người tặng lì xì và người nhận lì xì là ai, thì sẽ thấy ngay kiểu thiết kế và từ ngữ trên bao lì xì đó có phù hợp hay không".
Thăm dò ý kiến
Bạn lựa chọn bao lì xì loại nào cho Tết Mậu Tuất 2018?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận