Phóng to |
Nhà báo Gérard Davet của Le Monde - người móc nối với nguồn tin ở Bộ Tư pháp - với số báo ngày 13-9 tuyên chiến với chính phủ - Ảnh: AFP |
Chiều 13-9, nhật báo Le Monde - tờ báo uy tín hàng đầu của Pháp - giật tít mà nhiều người mô tả giống như một lời tuyên chiến thẳng thừng với chính phủ: “Vụ Woerth: điện Elysée đã vi phạm luật về bí mật nguồn tin của nhà báo”. Tờ báo kết tội chính phủ đã lạm quyền khi sử dụng cơ quan phản gián - với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền lợi quốc gia - vào mục đích bảo vệ quyền lợi của nhóm lợi ích chính trị: truy tìm nguồn cung cấp thông tin cho nhà báo.
Cuộc đấu mở màn
Vụ việc khởi nguồn từ hai tháng trước khi giới truyền thông Pháp lao vào cuộc điều tra gây quỹ tranh cử không minh bạch của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Khi đó báo chí tìm ra mối liên lạc nhập nhằng giữa các cộng sự của ông Sarkozy với bà tỉ phú Liliane Bettencourt. Cụ thể là bà tỉ phú đã đóng góp vượt mức cho phép và đưa tiền cho ông Eric Woerth - hiện là bộ trưởng lao động và lúc đó là thủ quỹ Đảng UMP của ông Sarkozy.
Sau khi khởi đăng các bài về vụ việc đó trong các ngày 18 và 19-7, theo báo Le Monde, nguồn cung cấp tin của mình đã bị cơ quan phản gián DCRI điều tra “bất hợp pháp” và bị thuyên chuyển nhanh sau đó. Eric Fottorino - giám đốc tờ Le Monde - tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng tôi có bằng chứng là giới cầm quyền đã ra lệnh điều tra, đó là một cuộc điều tra phi pháp nhằm tìm kiếm nguồn rò rỉ thông tin. Cụ thể là cơ quan phản gián đã tiến hành điều tra và đó là chuyện phi pháp”.
Vụ việc nóng lên khi dinh tổng thống Pháp ra thông cáo nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không hề có yều cầu điều tra gì với bất kỳ cơ quan nào trong vụ này”. Thế nhưng, cơ quan phản gián DCRI lại lên tiếng khẳng định họ đã có tiến hành điều tra về rò rỉ thông tin trong tháng 7, nhưng trong khuôn khổ cho phép về việc “bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Thật sự là cơ quan này đã có một số biện pháp nghiệp vụ nhưng không đến mức nghe lén điện thoại như một số thông tin ban đầu. Phía Bộ Nội vụ một mực khẳng định “không hề có cuộc nghe lén nào, bất kể dưới hình thức nào”. Nhưng cơ quan phản gián DCRI thừa nhận có lục lọi lại bản liệt kê chi tiết các cuộc điện thoại của một số quan chức cấp cao một số bộ và nhờ đó đã phát hiện người tiết lộ thông tin cho báo chí là ông David Sénat - cố vấn tư pháp của bà Bộ trưởng Tư pháp Michèle Alliot-Marie. Họ cho rằng đây là biện pháp được phép nhằm bảo vệ bí mật của các cơ quan nhà nước.
Trong một thông cáo báo chí phát đi tối 13-9, ông Frédéric Péchenard - lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia Pháp - nhấn mạnh: “Việc điều tra đã tìm ra tác giả của việc rò rỉ thông tin là một quan chức cấp cao, thành viên văn phòng bộ trưởng, vậy nên người này phải tuân thủ luật về bí mật nghề nghiệp cũng như luật hình sự”. Kết quả là vào đầu tháng 9, ông David Sénat đã gấp rút bị thuyên chuyển sang xứ đảo thuộc địa Guyanne của Pháp. Người ta không thể không kết nối câu chuyện theo lối nguyên nhân - hậu quả, dù phía Bộ Tư pháp một mực khẳng định không hề có yếu tố trừng phạt gì trong vụ thuyên chuyển vừa qua.
Tất nhiên, Le Monde đâu dễ “buông súng” khi thấy nguồn tin của mình bị ảnh hưởng. Nhà báo Gérard Davet của Le Monde phẫn nộ: “Cách đây không lâu tôi đã được biết về vụ nghe lén điện thoại di động của ông David Sénat. Tôi tin chắc là có vì tôi đã dành thời gian tự tìm hiểu và đối chiếu nhiều nguồn tin”. Còn Eric Fottorino nhấn mạnh: “Để đưa ra bài báo có tựa đề mạnh mẽ như vậy, chúng tôi phải có trong tay những bằng chứng đáng tin cậy, được so sánh đối chiếu kỹ càng và thật sự là chúng tôi đã làm việc như thế trong những tuần vừa qua”.
Còn những lá bài tẩy?
Trong bài báo đăng ngày 13-9, tờ Le Monde còn tìm cách chứng minh rằng hoàn toàn có khả năng Tổng thống Sarkozy đứng sau vụ việc vừa qua vì những nhân vật chóp bu trong các cơ quan an ninh, cảnh sát hiện nay đều là người thân tín của ông. Chẳng hạn, ông Frédéric Péchenard là bạn nối khố của ông Sarkozy, còn ông Bernard Squarcini - lãnh đạo cơ quan phản gián DCRI - là người thân cận từng theo “phò” ông Sarkozy từ năm 2002 hồi ở Bộ Nội vụ.
Cũng theo Le Monde, việc thành lập DCRI vào năm 2008 - kết hợp từ Cục Tình báo và Cục An ninh lãnh thổ - là ý tưởng của ông Sarkozy nhằm tạo ra một “FBI kiểu Pháp”. Do lẽ đó không có gì khó hiểu khi cơ quan này trở thành công cụ của nhà lãnh đạo Pháp. Le Monde nhắc lại rằng từng có tiền lệ tương tự vào tháng 4-2010 khi “FBI kiểu Pháp” được huy động để truy tìm nguồn phát tán thông tin về chuyện lục đục trong đời sống vợ chồng của Tổng thống Sarkozy. Lúc đó một số bộ trưởng và cố vấn của dinh tổng thống Pháp có đôi lúc lý giải rằng chuyện sử dụng các cơ quan tình báo vào việc truy tìm nguồn tin mang tính cá nhân đó là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, và họ nghĩ đến khả năng những kẻ tung tin đồn muốn “gây mất ổn định” cho nước Pháp khi Pháp chuẩn bị nắm chức chủ tịch G8.
Cuộc đấu giữa Le Monde với Chính phủ Pháp về quyền tự do thông tin đã mở ra, và người ta vẫn chưa thể hình dung nó sẽ khép lại như thế nào, vì đến lúc này các bên đều khẳng định mình là đúng trong việc vận dụng luật trong hành xử cụ thể.
Vẫn còn nhiều lá bài tẩy chưa được tung ra.
Thị trưởng Matxcơva dọa kiện các đài truyền hình
Thị trưởng thành phố Matxcơva (Nga), ông Yury Luzhkov, khẳng định sẽ kiện một số kênh truyền hình nước này vì đã phát những bộ phim tài liệu cáo buộc ông sử dụng địa vị của mình để hỗ trợ các hoạt động làm ăn của vợ, người phụ nữ giàu nhất nước Nga. Các bộ phim còn chỉ trích ông Luzhkov đi du lịch và không có mặt ở Matxcơva trong vụ cháy rừng mùa hè vừa qua khiến thành phố thủ đô chìm trong khói bụi. Các chương trình này được phát đi giữa lúc có tin đồn ông Luzhkov không còn được trọng dụng. Truyền hình Nga nói Tổng thống Nga Medvedev muốn ông Luzhkov, 73 tuổi và đã làm thị trưởng từ năm 1992, rời cương vị hiện nay. Văn phòng thị trưởng Matxcơva nói các thông tin phát trên đài là không có căn cứ và ông Luzhkov cùng chính quyền TP sẽ “đệ đơn kiện những đài truyền hình đó vì tội bôi nhọ danh dự”. Hãng xây dựng Intenko, thuộc sở hữu của vợ ông Luzhkov - bà Yelena Baturina, cũng nói sẽ kiện các kênh truyền hình trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận