Những con phố ở Hà Nội đỏ rực với hoa đào báo hiệu Tết đã cận kề - Ảnh: ALAMY
Trong không khí Tết Nguyên đán Việt Nam đang đến gần, báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong tuần này đã có một bài viết giới thiệu về Tết của Việt Nam. Bài viết có tựa đề: "Tất cả những điều bạn cần biết về Tết của Việt Nam: Ăn gì, đi đâu và làm gì".
Tương tự Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Á có văn hóa Tết Âm lịch, kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam gắn liền với những truyền thống như thăm gia đình, thưởng thức các món ăn ngon, xem pháo hoa… Tuy nhiên, SCMP cũng điểm qua những điều đặc biệt mà chỉ Tết ở Việt Nam mới có.
Giống với thói quen tặng hồng bao tại Trung Quốc, Tết ở Việt Nam cũng gắn liền với tục lệ lì xì để lấy may mắn đầu năm. Tết là dịp người ta tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm quần áo mới, thanh toán nợ nần và giải quyết những bất hòa.
Tuy nhiên, nếu Tết ở Trung Quốc gắn liền với những cuộc "xuân vận" khổng lồ, thì ở Việt Nam lại không đến mức chen chúc áp lực như vậy khi người ta về quê ăn Tết.
Theo SCMP, hoa là thứ rất được xem trọng trong ngày Tết tại Việt Nam. Trong khi hoa đào - loài hoa báo hiệu tiết xuân trong cái rét đầu năm được yêu thích ở miền Bắc, thì hoa mai với sắc vàng lại phổ biến ở miền Nam. Một số loại hoa khác như cúc vạn thọ cũng xuất hiện khá nhiều trong ngày Tết.
Một người đàn ông thắp hương trong ngày Tết tại TP.HCM - Ảnh: ALAMY
Phong tục thờ cúng tổ tiên là một nghi thức không thể thiếu trong ngày Tết của Việt Nam. Đó là lúc con cháu bày mâm cỗ, thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên để thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất.
Câu thành ngữ "Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy" đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến xuân về. Nhưng theo SCMP, trong 3 ngày này, người ta cũng thăm hỏi bạn bè, đi chùa cầu may…
Tờ báo của Hong Kong còn viết về "xông đất" đầu năm - một phong tục đẹp và lâu đời của người dân Việt. Theo đó, người xông đất là người khách đầu tiên bước vào cửa từ sau thời khắc giao thừa cho đến sáng Mùng 1 Tết Nguyên đán.
Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Từ trước Tết, gia chủ đã chọn người có tuổi hợp với chủ nhà, là người thành đạt… để đem sự may mắn cho gia đình trong cả năm.
Bánh chưng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong Tết Việt - Ảnh: ALAMY
Theo SCMP, Tết của Việt Nam còn gắn liền với những món ăn truyền thống như bánh chưng, chả lụa, dưa chua, xôi gấc… Mứt dừa và nhiều loại mứt Tết được bày ra để mọi người cùng thưởng thức. Những loại hạt để cắn vui miệng như hạt dưa, hạt bí… cũng không thiếu trong ngày Tết của người Việt.
Tết là lúc đường xá ở các thành phố lớn trở nên vắng lặng khi một lượng lớn người đổ xô về quê ăn Tết cùng gia đình.
SCMP miêu tả: "Tết là khoảng thời gian hoàn hảo để khám phá vẻ đẹp đầy mê hoặc của phố thị, mà không bị cản trở bởi sự điên cuồng của dòng xe gây ùn tắc các thành phố thường ngày. Đó là dịp được thưởng thức nhiều sự kiện có chủ đề Tết. Ở Hà Nội, vào đêm giao thừa, bầu trời sẽ sáng bừng trong tiếng nổ của pháo hoa ở một số địa điểm như Hồ Hoàn Kiếm và Sân vận động quốc gia Mỹ Đình".
Một phụ nữ Việt Nam mặc trang phục truyền thống trong ngày Tết - Ảnh: ALAMY
Tại TP.HCM, người ta có thể thưởng thức những màn bắn pháo hoa lung linh tại nhiều địa điểm như hầm Thủ Thiêm, công viên văn hóa Đầm Sen. Đường hoa Nguyễn Huệ cũng là một địa điểm thú vị được SCMP gợi ý nên tham quan.
Tờ báo của Hong Kong còn nhắc đến Lễ hội Cổ Loa hay hình ảnh ông Đồ với thú cho chữ ngày Tết.
Tết Nguyên đán ở Việt Nam cũng là dịp nhiều người chọn đi du lịch. Theo SCMP, người Việt Nam thường tìm tới các địa điểm có biển vào thời gian này như Đà Nẵng, Nha Trang. Các điểm đến với không khí mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa cũng được yêu thích.
Ông Đồ bên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội - Ảnh: ALAMY
Tết là thời điểm người ta đi lễ chùa để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới - Ảnh: ALAMY
Mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay rơi vào ngày 5-2 dương lịch. Theo SCMP, hầu hết các điểm tham quan như bảo tàng hay các cửa hàng lớn đóng cửa trong ngày Tết, thường khoảng 5 ngày. Một vài nhà hàng vẫn mở cửa, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận