Mỗi ngày có 30-40 bệnh nhân nhiễm HIV đến Trung tâm Y tế huyện Quế Phong nhận thuốc ARV về nhà điều trị - Ảnh: VŨ TOÀN
Huyện Quế Phong có 13 xã, 1 thị trấn thì tất cả các địa phương này đều có bệnh nhân nhiễm . Hiện toàn huyện có tới 1.548 người nhiễm HIV, 462 người đã chết vì AIDS. Trong đó xã Tiền Phong là một trong những "tâm bão" H lớn nhất.
Vào "tâm bão" H
Y sĩ Lương Thị Kiên, trưởng trạm y tế xã Tiền Phong, lật từng trang cuốn sổ ghi danh sách người nhiễm H bằng những ngón tay run run. Chị cho biết xã có 25 bản thì 23 bản có bệnh nhân H với 412 người.
44 người đã chết do AIDS, 368 người đang được điều trị. Trong 368 bệnh nhân H này có 108 phụ nữ 16-49 tuổi, 10 trẻ dưới 15 tuổi, còn lại là nam giới.
"Nam giới bị nhiễm bệnh nghi nghiện ma túy" - y sĩ Kiên nói.
Theo y sĩ Kiên, không thể kể hết tình cảnh những bệnh nhân H. Mới đây, một cô gái 17 tuổi ở bản Na Cày thấy cán bộ y tế đến bản tuyên truyền, tư vấn lưu động về H liền hỏi "vì sao người cháu lại nổi mụn lở loét như thế này?".
Y sĩ Kiên hướng dẫn đến Trung tâm Phòng chống AIDS huyện xét nghiệm. Kết quả, cô gái này bị AIDS. Biết tin, người chồng nghiện ma túy ruồng bỏ, cô gái phải về nhà mẹ đẻ.
Một cặp vợ chồng khác cũng lâm cảnh nhiễm H nên phải xin nghỉ việc. Người chồng công tác tại một cơ quan nhà nước ở huyện. Còn người vợ là giáo viên THCS ở Tiền Phong.
Chị Hà Thị Tình - 25 tuổi, dân tộc Thái, trú tại bản Tạng - là một hoàn cảnh đáng thương khác. Mấy năm trước, chị vào Nam làm công nhân, gặp anh K. (quê bản Tạng) rồi nên vợ nên chồng.
Tháng 1-2017, chị sinh đôi. Sáu tháng sau, cán bộ tư vấn về H của Trung tâm y tế huyện gọi chị đưa hai con đến xét nghiệm. Kết quả, chị Tình và hai con trai đều bị nhiễm H.
Chị Tình trải lòng: "Chồng đi làm ăn xa. Tháng nào tôi cũng lên Trung tâm y tế huyện nhận thuốc ARV về uống. Hơn một năm nay, nhận thuốc cho mình xong, tôi phải đi 200km xuống Bệnh viện Nhi nhận cho con vì thuốc của con chưa cấp phát ở bệnh viện tuyến huyện. Khổ lắm".
Tiếp sau "tâm bão" H ở xã Tiền Phong là xã Mường Noọc với 337 người nhiễm. Y sĩ Võ Thị Phương, trưởng trạm y tế xã Mường Noọc, cho biết đến nay đã có 107 người chết do AIDS, 230 người đang sống. Nhưng nếu Tiền Phong có 23/25 bản có người bị H thì ở Mường Noọc bệnh nhân H bao phủ khắp 16/16 bản.
Chị Hà Thị Tình ở bản Tạng và hai con trai song sinh bị nhiễm HIV - Ảnh: VŨ TOÀN
Hậu họa từ ma túy
Bà Trương Thị Tuyết Mai - phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong - nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến HIV/AIDS trên phạm vi toàn huyện là do hậu họa của ma túy. Nguyên nhân thứ hai là do người nhiễm giấu bệnh, quan hệ tình dục không an toàn. Nguyên nhân tiếp theo là do mẹ lây sang con.
Theo ông Võ Khánh Toàn - chủ tịch UBND xã Tiền Phong, sở dĩ xã Tiền Phong phải hứng chịu nặng nề nhất "bão" H vì có hơn 1.000 người dân vùng lòng hồ thủy điện Hủa Na tái định cư trên địa bàn, trong số đó có không ít người nghiện.
Còn ông Quang Văn Phương, chủ tịch UBND xã Mường Noọc, nêu một nguyên nhân khác là trên địa bàn xã có tám tụ điểm tiêm chích ma túy rất phức tạp, khiến 16/16 bản của xã lâm cảnh "bão" H.
Ngoài hai "tâm bão" H này, còn có các địa phương được người dân gọi là "vũng xoáy" H như xã Châu Kim (110 người, đã chết 35 người), xã Quế Sơn (149 người, đã chết 47 người, 9 người bỏ điều trị)...
Theo bà Mai, bệnh nhân H được phát hiện đầu tiên vào năm 1999 ở xã biên giới Châu Kim, sau đó lan truyền khắp huyện và trở thành dịch từ năm 2009. Bắt đầu từ năm 2010, dịch H bùng phát và bùng phát mạnh nhất từ năm 2011 đến nay.
Phía sau câu chuyện "tâm bão" HIV/AIDS, chúng tôi canh cánh một câu hỏi: quản lý người nhiễm H như thế nào để tránh lây cho cộng đồng? Câu trả lời của bà Mai và nhiều cán bộ y tế huyện, xã đều đọng lại một nỗi lo âu là không còn cách gì hơn ngoài việc tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân H càng nhiều, càng lưu động tới thôn, bản càng tốt.
Chủ tịch UBND xã Mường Noọc thừa nhận: "Không dễ quản lý bệnh nhân H. Họ đi làm ăn tại các tỉnh xa, thậm chí đầu tuần đang ở bản, sang tuần thấy xuất hiện trên Facebook đang ở bên Trung Quốc hoặc Lào".
Theo bà Mai, thực tế công việc quản lý bệnh nhân H đang là sự trăn trở thường trực từ đảng ủy, chính quyền địa phương tuyến xã lên huyện. Một năm huyện có một tháng hành động phòng chống HIV/AIDS chủ yếu bằng mittinh, diễu hành, loa phóng thanh và panô, khẩu hiệu tuyên truyền.
Xem ra các nỗ lực của chính quyền trong việc ngăn chặn "cơn bão" này còn hết sức gay go.
Phần lớn do tiêm chích ma túy
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng - phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An - cho biết huyện Quế Phong là điểm nóng nhất tỉnh về H. Tỉ lệ H tính trên đầu người cũng cao nhất tỉnh. 82% bệnh nhân H là do sử dụng kim tiêm chung để tiêm chích ma túy.
Trong bối cảnh này, cách quản lý bệnh nhân H, theo ông, phải hiểu theo hướng vừa ngăn ngừa nạn tiêm chích vừa điều trị và phối hợp nhiều kênh tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận các cơ sở y tế để xét nghiệm thường xuyên.
Khó khăn khi các dự án quốc tế rút đi
Bà Trương Thị Tuyết Mai - phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong - nói rất hụt hẫng khi năm dự án quốc tế từng đến Quế Phong ngăn chặn vấn nạn H đã rút đi gần hết gồm: FHI 360 (Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ), 2010; WB (Ngân hàng Thế giới), 2014; Quỹ toàn cầu, 2015; CCRD (Trung tâm Phát triển y tế cộng đồng), 2016 và PATH (Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận), 2016.
Hết dự án đồng nghĩa với các nỗ lực chống lây nhiễm sẽ bị hụt hơi. Nhóm đồng đẳng viên, nhóm y tế thôn, bản được tập huấn kỹ năng tiếp cận, vận động... cũng dừng hoạt động.
Nhóm hai bác sĩ điều trị, hai y sĩ tư vấn, hai kỹ thuật viên xét nghiệm tận nhà người nghi nhiễm H ở bản sâu, bản xa nay thay thế bằng việc xét nghiệm hằng tuần, hằng tháng khi trạm y tế các xã báo tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận