Tôi cùng 2 người trong gia đình mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện, mua nguyên năm. Mới đây đi khám bệnh, tôi mới được biết là thẻ chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Tôi đã lên cơ quan bán BHYT khiếu nại thì họ tiếp tục bán thẻ BHYT thêm 6 tháng nữa. Tôi xin hỏi thời gian tham gia BHYT tự nguyện của tôi bị chia làm 2 lần như vậy, tôi có bị mất quyền lợi gì không?
Bạn đọc Trần Vy (Bình Thạnh) gửi câu hỏi cho luật sư tư vấn.
Luật sư Đỗ Hoàng Minh (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về quy định đối với thẻ BHYT tự nguyện như sau:
Theo quy định hiện nay thì thời gian gián đoạn giữa 2 lần mua BHYT tối đa không quá 3 tháng (điều 12 nghị định 146/2018/NĐ-CP) thì được tính là liên tục.
Quyền lợi bà bị mất trong thời gian gián đoạn đó là khi bà có nhu cầu khám chữa bệnh sẽ không được thanh toán BHYT do không có thẻ BHYT. Nếu thời gian gián đoạn quá 3 tháng thì giai đoạn trước không được cộng gộp vào giai đoạn sau.
Để khuyến khích người dân tham gia BHYT nên cơ quan Bảo hiểm xã hội đưa ra quy định về BHYT 5 năm liên tục và ghi nhận trên thẻ BHYT.
Như vậy, BHYT 5 năm liên tục là khi một người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, trường hợp có gián đoạn thì tối đa không quá 3 tháng.
- Điều kiện để người bệnh được hưởng BHYT 5 năm liên tục bao gồm:
+ Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên;
+ Có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay tương ứng với 6 x 1.800.000 = 10.800.000 đồng).
+ Đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục:
Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên như sau:
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám bệnh, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 6 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó;
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và nhận giấy chứng nhận không phải cùng chi trả trong năm đó;
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở được tính từ ngày 1-1, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người bệnh kể từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 5 năm liên tục đến hết ngày 31-12 của năm đó.
Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm là cơ sở để người bệnh được hưởng quyền lợi không cùng chi trả kể từ lần khám, chữa bệnh kế tiếp cho đến hết năm.
Trường hợp của bà, mặc dù thẻ BHYT tự nguyện có thời gian chia làm 2 lần/năm nhưng theo quy định thì không ảnh hưởng gì đến quyền lợi.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận