Bảo hiểm xe máy bày bán dọc vỉa hè ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Phùng Ngọc Khánh - cục trưởng Cục Giám sát quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đang làm khó người thụ hưởng trong thời gian qua.
Ông Khánh nói: "Việc sửa đổi nghị định 103 năm 2008 sẽ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, sao cho thuận tiện nhất cho người dân. Có thể mức bồi thường dưới 10 triệu đồng/vụ, thủ tục bồi thường sẽ rất đơn giản. Với mức bồi thường cao hơn mới yêu cầu hồ sơ phải đủ các thủ tục về biên bản hiện trường, giám định thiệt hại của cơ quan chức năng".
* Sau 10 năm triển khai, tỉ lệ xe máy phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đến nay đã được cải thiện chưa, thưa ông?
- Số liệu tổng hợp cho thấy tỉ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy đến nay vẫn còn rất thấp, mới chỉ đạt 30% trên tổng số lượng cả nước có gần 60 triệu chiếc. Trong khi đó, tỉ lệ này của ôtô là 90% trong tổng số 3 triệu chiếc ôtô trên cả nước.
* Nhiều người cho rằng họ không mặn mà với bảo hiểm xe máy do thủ tục đang làm khó người thụ hưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm?
- Quả thật thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với xe máy hiện đang có rất nhiều vấn đề nên người dân mới phản ảnh, chưa mặn mà với việc mua sản phẩm này. Nếu việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm được thuận lợi và chất lượng cùng nội dung rõ ràng, người dân sẽ không ngần ngại khi mua sản phẩm này.
* Những ngày gần đây, bảo hiểm giá "bèo" với mức 10.000 - 20.000 đồng được các đại lý tung ra bán cho người đi xe máy nhằm đối phó với công an, ông bình luận hiện tượng này như thế nào?
- Trong tuần tới, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động này. Kể cả việc bán bảo hiểm dạo hay bán ở vỉa hè, mức khuyến mãi, việc thực hiện các chế độ tài chính, chế độ kế toán... cũng phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Tất cả các sai phạm nếu có của đại lý bảo hiểm, của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm sẽ bị Bộ Tài chính xử lý.
Cũng phải nói thêm là việc tuyên truyền bán bảo hiểm thời gian qua rất yếu. Doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm tư vấn, thông tin rõ ràng cho khách hàng sản phẩm nào là bắt buộc, sản phẩm nào là tự nguyện để người dân nắm rõ và thực hiện.
Cũng xin khẳng định những lỗi, sai phạm của doanh nghiệp bảo hiểm không ảnh hưởng đến quyền lợi của người chủ xe máy cũng như người điều khiển xe máy khi mua bảo hiểm.
Ông Phùng Ngọc Khánh - cục trưởng Cục Giám sát quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính
* Trong thời gian tới, các thủ tục bồi thường bảo hiểm sẽ được sửa đổi như thế nào để tạo thuận lợi cho người dân và tăng trách nhiệm, nghĩa vụ cho doanh nghiệp bảo hiểm?
- Theo dự thảo nghị định mới quy định trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy, Bộ Tài chính đề xuất thủ tục bồi thường phải giảm theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người chủ xe máy, người đi xe máy mà không may gây tai nạn làm thiệt hại về người, tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác. Đặc biệt, khách hàng phải nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bảo hiểm, của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện các thủ tục, cũng như đẩy nhanh thời gian trả tiền bồi thường bảo hiểm.
Theo quy định, trách nhiệm bồi thường tối đa về người là 100 triệu đồng/vụ và thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ đối với tai nạn do xe máy gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra rất nhiều vụ va chạm gây thiệt hại rất nhỏ. Người dân thường tự giải quyết mà không liên hệ với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Sắp tới Bộ Tài chính sẽ phối hợp với một số bộ ngành sửa đổi quy định theo hướng những trường hợp mà người dân tự giải quyết được, thủ tục sẽ đơn giản và mức phí bảo hiểm phải phù hợp.
Ngoài ra, theo tôi, cần cân nhắc mức phí hoặc là tăng mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm so với hiện nay. Mức phí bảo hiểm phải tương ứng với rủi ro của xe, chủ xe và người điều khiển xe.
* Theo ông, có nên sửa quy định sản phẩm bảo hiểm này sang tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay hay không?
- Luật kinh doanh bảo hiểm quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy là bắt buộc, còn nếu chuyển sang hình thức tự nguyện trước hết phải sửa luật. Theo kế hoạch năm 2021, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi tổng thể Luật kinh doanh bảo hiểm và sẽ nêu vấn đề này để xin ý kiến các cơ quan cũng như đối tượng chịu sự tác động để có báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Bảo hiểm bán dày đặc trên đường Ba Tháng Hai, TP.HCM - Ảnh: D.PHAN
Thu gần 765 tỉ đồng bảo hiểm xe máy, bồi thường... 45 tỉ
Ngày 22-5, tại cuộc họp báo về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy do Bộ Tài chính tổ chức, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết trong năm 2019, tổng doanh thu bán sản phẩm bảo hiểm này là 3.590 tỉ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm bán cho xe máy là 765 tỉ đồng.
Số tiền chi bồi thường bảo hiểm cho xe cơ giới là 972 tỉ đồng, trong đó bồi thường bảo hiểm cho xe máy 45 tỉ đồng. Về số lượng xe máy mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết sau hơn 10 năm triển khai, số lượt xe cơ giới mua bảo hiểm là trên 110,3 triệu, trong đó xe máy là 93,5 triệu lượt.
Về bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho gần 593.000 vụ tai nạn giao thông, trung bình số tiền bồi thường là 9 triệu đồng/vụ. Riêng đối với xe máy, có 101.000 vụ tai nạn xe máy được bồi thường, với mức trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Thủ tục làm khó người thụ hưởng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia bảo hiểm cho rằng quy định về thủ tục bồi thường bảo hiểm chính là rào cản khiến người dân không mua, hoặc mua đối phó cho xe máy. Bởi để được bồi thường, thủ tục xác nhận vụ tai nạn giao thông mất rất nhiều thời gian và không dễ dàng gì.
Do đó, theo các chuyên gia, chính sách phải cải tiến theo hướng những vụ tai nạn giao thông có tiền bồi thường là 5-10 triệu đồng/vụ, hai bên va chạm với nhau và người đi đường có thể chụp ảnh để xác nhận đây là vụ tai nạn giao thông.
Phần đông người dân có điện thoại thông minh nên sẽ chụp ảnh hiện trường và gửi đơn yêu cầu bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, phải có quy định yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phân cấp bồi thường bảo hiểm cho chi nhánh gần nhất chứ không thể đơn vị nào phát hành giấy bảo hiểm mới có trách nhiệm bồi thường.
"Chẳng hạn cùng một doanh nghiệp bảo hiểm A, dù chi nhánh phát hành giấy bảo hiểm tại một tỉnh B nào đó nhưng khi tai nạn xảy ra ở Hà Nội, chi nhánh bảo hiểm của doanh nghiệp này ở Hà Nội phải có trách nhiệm bồi thường cho người thụ hưởng, thay vì chi nhánh phát hành mới chịu trách nhiệm bồi thường sẽ gây khó cho người thụ hưởng" - một chuyên gia đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận