Người dân nộp sổ bảo hiểm y tế khám bệnh vào sáng thứ bảy tại Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dịch vụ này có nơi lúng túng, có nơi thuận lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trước ngày 1-1-2015 bệnh nhân đi khám bệnh ngoại trú vào thứ bảy và chủ nhật ở Bạch Mai rất đông.
Nhưng từ 1-1 đến nay Luật bảo hiểm y tế mới không chi trả phí khám bệnh ngoại trú cho bệnh nhân vượt tuyến nữa, mà Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân khám ngoại trú vượt tuyến tới 40-50% nên lượng người đến khám vào thứ bảy và chủ nhật giảm nhiều, trong đó chỉ một số ít là được chi trả bảo hiểm do có giấy chuyển tuyến.
Người kêu khó, người làm
Tuy nhiên, Bạch Mai là một trong số ít ỏi bệnh viện ở khu vực phía Bắc triển khai được dịch vụ khám chữa bệnh bình thường trong ngày nghỉ và có bệnh nhân được bảo hiểm chi trả.
Ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết bệnh viện ông chưa khám bảo hiểm y tế thứ bảy và chủ nhật do bệnh viện là cơ quan hành chính sự nghiệp, làm việc 5 ngày/tuần, hai ngày còn lại trong tuần là ngày nghỉ, muốn thầy thuốc đến làm việc phải thỏa thuận và phải trả mức lương bằng 200% so với ngày thường. Nếu chi trả mức lương này, thu không đủ bù chi.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đồng quan điểm với ông Kính. Theo bác sĩ này, tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ cần đãi ngộ cao hơn ngày làm việc bình thường. "Nhưng đãi ngộ ấy lấy ở đâu?"- vị bác sĩ này đặt vấn đề.
Trong khi đó tại TP.HCM, nhiều bệnh viện đã triển khai việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào những ngày cuối tuần nhiều năm nay. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết để đáp ứng nhu cầu người bệnh - nhất là công nhân viên, học sinh, trẻ em - có bảo hiểm y tế thuận lợi hơn trong việc đi khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã triển khai khám bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ thứ bảy từ tháng 5-2012.
Quy trình khám bệnh bảo hiểm y tế thứ bảy tương tự ngày thường nhưng do bệnh nhân đến khám ít hơn nên các khâu đăng ký khám được rút ngắn hơn. Khám vào thứ bảy, bệnh nhân trả thêm phần chi phí khám chữa bệnh ngoài giờ (phí phải đóng thêm = phí khám bệnh ngoài giờ - phí bảo hiểm y tế chi trả).
Khi bệnh viện triển khai khám bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ, bệnh nhân đến khám đều đồng thuận với giải thích về khoản chênh lệch ngoài giờ được bảo hiểm y tế chi trả thay vì phải chi trả 100% nếu không được sử dụng bảo hiểm y tế.
Tương tự, ở một bệnh viện quận như Bệnh viện Q.2, bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện, cho biết nơi đây đã triển khai khám bảo hiểm y tế trong thứ bảy, chủ nhật hơn một năm nay.
Bác sĩ Khanh nhận định điều quan trọng nhất để tổ chức khám bệnh bảo hiểm y tế vào những ngày cuối tuần là cán bộ công nhân viên của bệnh viện phải đồng lòng sắp xếp đi làm.
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, có nhiều bệnh viện trong TP đã khám bệnh ngoài giờ như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn,...
Thỏa thuận với người bệnh
Việc khám chữa bệnh vào ngày nghỉ vẫn được bảo hiểm y tế chi trả phí khám chữa bệnh sẽ thuận lợi với người làm công ăn lương, thường bận rộn các ngày làm việc trong tuần. "Lúc này cần vai trò năng động của các bệnh viện, tư duy của người quản trị bệnh viện phải đổi mới. Quy định hiện hành cho phép thu thêm phí nếu khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngoài phí bảo hiểm y tế đã trả, miễn là có sự thỏa thuận với người bệnh” - ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, cho biết.
Cũng theo ông Sơn, hiện quỹ bảo hiểm y tế không chi trả cho người bệnh khám vượt tuyến, nhưng nếu thầy thuốc chỉ định người bệnh phải vào viện điều trị nội trú thì kể cả vượt tuyến trong ngày nghỉ, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 60% cả phí khám và điều trị nội trú của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân đi khám chữa bệnh đúng tuyến, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 80-100% phí khám chữa bệnh tùy đối tượng, chưa tính phần bệnh viện thu thêm. Ông Sơn cho rằng như vậy là Nhà nước đã cho một cơ chế, còn tổ chức như thế nào là việc của bệnh viện, tùy điều kiện nhân lực và lưu lượng bệnh nhân đến bệnh viện.
Quyền chủ động ở bệnh viện Theo bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, thông tư 16 đã giao quyền chủ động cho giám đốc bệnh viện và “căn ke” tất cả những vấn đề có thể phát sinh khi bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ. Khi đó người bệnh đến khám chữa bệnh vào ngày nghỉ sẽ được hưởng quyền lợi như khám vào ngày thường, nhưng sẽ chi trả phần chênh lệch ngoài phần bảo hiểm đã chi. Cũng theo bà Hương, người bệnh ở khu vực phía Nam dễ chấp nhận việc chi trả phí chênh lệch hơn, trong khi đó hiện chưa có nhiều bệnh viện ở khu vực phía Bắc ký hợp đồng với bảo hiểm để khám chữa bệnh vào ngày nghỉ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận