Phóng to |
Cảnh cháy nổ trong phim Mùi cỏ cháy - Ảnh ĐPCC |
Mấy ngày nay, giới làm phim trong Nam ngoài Bắc vẫn xôn xao mãi về vụ nổ lúc 0g30 ngày 24-2 ở TP.HCM. Câu chuyện của họ ngoài sự thương tiếc một đồng nghiệp vắn số còn là sự lo lắng cho tương lai của chính mình nếu sự nghiệp làm phim vẫn phải va chạm với phim có cảnh cháy nổ, khói lửa và nhiều cảnh nguy hiểm khác... Ông Phan Trọng Bích (chuyên gia cháy nổ, từng tham gia làm hiệu quả cháy nổ cho các phim Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Ký ức Ðiện Biên...) lo ngại: "Mấy đêm vừa qua tôi gần như không ngủ được, thậm chí còn nghĩ có lẽ đợt tới cũng xin về thôi, không dám làm nữa đâu. Tôi vào nghề từ năm 1985, tổ của tôi có 13 người, có người đến tuổi về hưu, có người thấy nguy hiểm nên nghỉ, giờ chỉ còn mình tôi làm việc này. Chúng tôi đang lo ai sẽ là người kế tiếp khi sự đãi ngộ thì không có, lương ít, chỉ một chút không tỉnh táo thôi có thể mệt mỏi vì hậu quả...".
Bảo hiểm - có cũng như không?
"Phim Tây": bảo hiểm còn quyết định bối cảnh Với cảnh quay cháy nổ trong phim Người Mỹ trầm lặng xảy ra trước Nhà hát TP.HCM, chiếc xe để nổ không phải là nhiều chiếc cho các cảnh quay đi quay lại mà chỉ là một chiếc xe. Bởi thế nên khi nổ, các mảnh của chiếc xe văng ra như thể đó là vì chất nổ công phá, nhưng thực chất đó chỉ là những mảnh đã được tính toán trước để khi quay lại đúp sau, họ ráp chiếc xe lại nhanh chóng. Và không chỉ những người tham gia cảnh này được mua bảo hiểm với mức phí rất cao mà toàn bộ đoàn phim đều được mua bảo hiểm. Tôi được biết các đoàn phim nước ngoài mua bảo hiểm tổng thể cho đoàn phim, rồi chia nhỏ theo các gói khác nhau nữa. Thậm chí trước khi quay, nhân viên bảo hiểm sẽ đến kiểm tra các bối cảnh mà đạo diễn đã lựa chọn. Nếu họ thấy bối cảnh không đáp ứng được điều kiện an toàn sẽ không chấp nhận bảo hiểm, và như vậy phải kiếm bối cảnh khác đảm bảo điều kiện an toàn. Nhà sản xuất phim Trần Bích Ngọc C.K. ghi |
Bị tai nạn khi tham gia phim truyền hình Huyền thoại 1C (bài "Cháy nổ trong phim Việt: Chơi nhưng thiệt 100%!", Tuổi Trẻ ngày 26-2), diễn viên đóng thế Tuấn Anh mới phát hiện bảo hiểm mà đoàn phim ký hợp đồng cho mình chỉ trị giá 20 triệu đồng: "Quá trình để tôi được công ty bảo hiểm bồi thường rất nhiêu khê và tốn thời gian khoảng một tháng. Trong giấy khám và chữa trị, bác sĩ ghi tôi bị chấn thương 11%. Tổng số tiền bảo hiểm chi cho tôi chữa trị vết thương là 1 triệu đồng - con số quá ít ỏi so với chi phí thực". Tuấn Anh cho biết thêm thường những cascadeur như anh không giữ hợp đồng mà đoàn phim giữ luôn và không can thiệp gì được. "Chúng tôi chỉ có hai phương án: đồng ý hợp đồng này thì đi đóng phim, không đồng ý thì... khỏi đóng!" - anh nói.
Gắn bó nhiều năm với nghề cascadeur, đạo diễn Quốc Thịnh nhớ mãi hình ảnh nghệ sĩ Quyền Linh kêu gọi các nghệ sĩ, diễn viên quyên góp để giúp đỡ một diễn viên đóng thế bị tai nạn khá nặng trong một cảnh quay. "Dĩ nhiên anh em mỗi người góp một chút nhưng sự giúp đỡ này cũng có giới hạn. Lẽ ra việc chữa trị phải do bên bảo hiểm lo chứ không phải đi "kêu gọi tình thương" như vậy". Và Quốc Thịnh chua xót: "Hiện nay các hợp đồng ký kết giữa hãng phim với diễn viên đều có điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhưng rất sơ sài, đều là những bảo hiểm rẻ tiền. Khi một diễn viên bị tai nạn, không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ họ."
Trong khi "phim Tây" thì khác hẳn, vừa tham gia một phim Mỹ quay tại VN (ràng buộc hợp đồng nên không tiết lộ tên bộ phim), diễn viên Kinh Quốc kể: "Trong quá trình quay, tôi gặp tai nạn nhỏ xíu là một cây kim đâm vào tay. Vậy mà người lo về y tế chạy đến băng bó vết thương và lập biên bản, yêu cầu tôi ký tên vào đó. Hợp đồng của họ, chỉ riêng vấn đề bảo hiểm trong lúc quay dài cả trang giấy, rất chi tiết. Trong khi đó hợp đồng làm phim VN điều khoản bảo hiểm cũng có nhưng vô cùng sơ sài, chỉ vài dòng ngắn ngủi".
Đạo diễn không được ẩu
Trong câu chuyện với đạo diễn Vương Ðức - giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện VN, chúng tôi được biết thời ông làm Cỏ lau (1993) thì chưa có công ty bảo hiểm nên đoàn phim không mua bảo hiểm. Nhưng sau này với phim Rừng đen, các cảnh thác, vực sâu hay nước lũ ông đã yêu cầu hãng phim mua bảo hiểm cho các diễn viên tham gia những cảnh nguy hiểm. Với phim Mùi cỏ cháy cũng vậy, "bảo hiểm đã được mua cho những diễn viên liên quan đến quả nổ, nhưng những người thực hiện thì không được mua bảo hiểm vì đó là nhiệm vụ của họ" - ông Ðức nói.
Ðạo diễn Trần Vịnh - một người gắn bó tên mình với hầu hết phim chiến tranh - kể từng bị thương khi đóng phim thể loại này nên ông rất cẩn trọng trong những vấn đề về khói lửa. "Tôi từng làm 400 tập phim về chiến tranh nhưng chưa gây ra vụ tai nạn nào. Tôi quan niệm rằng đạo diễn làm ẩu thì chỉ có nước vào... tù thôi. Những vụ cháy nổ trong phim tôi đều do công binh thực hiện nên an toàn. Ðạn súng, đạo cụ đều tháo hết đạn khi tập và diễn trên phim trường... Mặt khác, phim nào cũng phải mua bảo hiểm cho diễn viên, khi đóng phim họ đều được bảo vệ bằng trang phục riêng như găng tay, áo giáp" - ông cho biết.
Ông Vương Ðức bổ sung: "Phim chiến tranh bên tôi, bao giờ Bộ Quốc phòng cũng phải xem kịch bản. Còn với tư cách đạo diễn trên phim trường, các cảnh chiến đấu có khói lửa, cháy nổ, tôi kiểm tra từng băng đạn, vì dù đạn mã tử (đạn không có đầu đạn) khi bắn gần cũng ảnh hưởng đến diễn viên, quy định phải cách ít nhất nửa mét, với quả nổ khoảng 300 gram diễn viên phải đứng cách 3,5m và không ai được vi phạm quy định này, sơ sểnh thì khó lắm...".
Nói gì thì chuyện xấu nhất đã xảy ra với gia đình ông Phương, chỉ mong sự việc đau lòng ấy sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh với hệ thống làm phim kiểu VN, rằng không thể chần chừ hơn sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp trong việc đảm bảo tính mạng của người làm phim dù họ là ai, ở vị trí nào vì mạng người chưa bao giờ rẻ!
Chưa có nhiều tiền lệ mua bảo hiểm cho cảnh cháy nổ Trong vai nhà sản xuất phim sắp tổ chức sản xuất cảnh cháy nổ có đông diễn viên muốn mua bảo hiểm, PV báo Tuổi Trẻ đã nhận được những phản hồi từ phía các hãng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ như sau: Ðiểm chung của các hãng bảo hiểm là khá ngại ngần khi nhận bảo hiểm cho những cảnh quay cháy nổ/nguy hiểm, nếu có nhận thì yêu cầu thẩm định rất kỹ càng. Các tư vấn viên bảo hiểm yêu cầu nhà sản xuất cung cấp đầy đủ, chi tiết cảnh quay, khối lượng thuốc nổ/dụng cụ gây nguy hiểm sẽ được sử dụng và nhiều chi tiết liên quan. Sau đó, công ty bảo hiểm sẽ đánh giá mức độ rủi ro, từ đó đưa ra mức giá phù hợp. Ðối với những sự kiện/công việc mang tính rủi ro càng cao thì mức phí bảo hiểm sẽ càng lớn. Một số công ty cho biết từ khi họ thành lập đến nay, chưa có hãng phim tư nhân nào tìm mua bảo hiểm riêng cho nhóm diễn viên tham gia những cảnh nguy hiểm, vì vậy họ cần có thời gian để bàn bạc và trao đổi trước khi quyết định có nhận hay không nhận bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cũng cho biết đến thời điểm hiện tại, hầu như không có chuyên viên khói lửa nào đăng ký bảo hiểm cho nghề nghiệp này. H.HẠNH |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận