Theo YouNet Media - nền tảng và dịch vụ chuyên phân tích dữ liệu mạng xã hội, 16 cuộc khủng hoảng của ngành bảo hiểm trong ba năm trước gộp lại thu hút số thảo luận chưa bằng một nửa so với cuộc khủng hoảng mới diễn ra đầu năm 2023.
Trong 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội về video phát trực tuyến của diễn viên Ngọc Lan và các sự kiện liên quan đến bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây, gần 80% công khai bày tỏ thái độ chỉ trích công ty bảo hiểm và ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung.
Có đến 72.318 thảo luận trên mạng xã hội trong cùng thời gian là các đánh giá tiêu cực của cộng đồng mạng về uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ (chiếm 94% tổng số).
Ông Ngô Trung Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - nhìn nhận ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng lớn nhất về mặt niềm tin.
Hậu quả tất yếu
Nhiều bạn đọc chung nỗi bức xúc chỉ ra rằng uy tín ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam bị ảnh hưởng lâu dài là hậu quả tất yếu của việc bỏ lơ quyền lợi khách hàng, và sự việc của diễn viên Ngọc Lan chỉ là giọt nước tràn ly.
Bạn đọc Vinh gay gắt: "Không có lửa thì làm sao có khói, gieo gió gặt bão thôi. Kiểu làm ăn bất chấp kiếm lời đó thì tồn tại được bao lâu, chẳng qua sự việc này chỉ là giọt nước tràn ly. Đã đến lúc những người làm bảo hiểm theo kiểu ăn xổi ở thì nhận lấy bão do mình gieo".
"Thực tế hiện nay nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ chăm chăm mục đích duy nhất là lợi nhuận cho công ty bảo hiểm và ngân hàng, còn lợi ích khách hàng thì mặc kệ.
Một là người mua bị lừa, hai là người mua bị ép khi vay ngân hàng, ba là chỉ một số ít tự nguyện" - bạn đọc Hoang Tung chỉ thẳng nguyên nhân.
Bạn đọc Khai Phong cho rằng đây là hậu quả tất yếu khi bảo hiểm nhân thọ chỉ muốn dùng bảo hiểm như là một phương tiện để... huy động vốn, để làm giàu cho chính họ và những bên "ăn theo" (như ngân hàng) mà quên đi mục đích tối thượng là phải bảo hiểm được cho thân chủ khi gặp hiểm nguy, trắc trở!
Bảo hiểm nhân thọ chỉ biết đến lợi ích của mình trong khi lẽ ra phải phục vụ cho lợi ích, và vì lợi ích của khách hàng! Đây là cái sai hệ thống, sai trong cách tiếp cận vấn đề chứ không phải sai ở một vài đại lý bảo hiểm.
Trong khi đó, bạn đọc Thachcuong2010 đặt vấn đề: "Không thể chỉ đổ hết lỗi cho các công ty bảo hiểm và đại lý kinh doanh bảo hiểm. Bởi cũng như các doanh nghiệp khác, không thể thiếu vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước".
Khách hàng là thượng đế, chứ không phải con mồi
Góp ý của nhiều bạn đọc cùng chung mong muốn: ngành bảo hiểm nhân thọ cần rất nhiều nỗ lực thay đổi trong dài hạn mới mong lấy lại được niềm tin của người dân Việt Nam.
Theo bạn đọc Khoa SG: "Quả bom khủng hoảng của bảo hiểm nhân thọ có thể được hình thành từ khi liên kết ngân hàng bán bảo hiểm, nó lớn dần theo thời gian và khi đi sai ra ngoài bản chất tốt đẹp của nó thì tất nhiên sẽ nổ thôi. Đây cũng là cơ hội tốt cho những công ty bảo hiểm đang làm đúng củng cố và phát triển hơn".
Bình luận của bạn đọc Huỳnh Khương nhận được nhiều đồng tình: "Bảo hiểm nhân thọ phải chú trọng tư tưởng "khách hàng là thượng đế", thay cho cách nghĩ "khách hàng là con mồi" thì mới mong lấy lại niềm tin của mọi người!".
"Tôi nghĩ ngay từ bây giờ bảo hiểm nhân thọ phải thay đổi mới tồn tại được. Cụ thể như nhân viên tư vấn cho khách hàng phải trung thực, rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn.
Hợp đồng phải ngắn gọn, dễ hiểu và việc mua bảo hiểm nhân thọ phải là sự lựa chọn tự nguyện hoàn toàn của người mua" - bạn đọc Hữu Thành đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận