Nhà báo Park Jeong Bae có dịp đến Hà Nội tìm hiểu những nét ẩm thực đặc sắc nơi đây, trong đó nổi bật nhất là món phở. Anh đề xuất cho du khách Hàn những quán phở nên ghé ăn thử khi đến Hà Nội.
Park Jeong Bae viết: "Người Việt Nam thường bắt đầu buổi sáng với món phở nên có rất nhiều quán phở mở cửa từ sáng sớm để phục vụ họ".
Phở Cụ Chiêu
Phở Cụ Chiêu xuất thân từ làng Vân Cù, Nam Định. Đây là quán phở có tuổi đời hàng trăm năm, được thành lập vào những năm 1930, tới nay đã qua 4 thế hệ.
"Thay vì thêm các loại gia vị như: hồi, quế, bạch đậu khấu như ở các quán khác, họ chỉ chế biến nước dùng nấu từ xương và thịt bò để đảm bảo hương vị nguyên bản.
Quán cũng không để chanh trên bàn để làm gia vị. Sự hòa quyện giữa nước dùng, sợi phở, thịt và rau thật tuyệt vời" - nhà báo Park Jeong Bae của tờ Chosun nêu cảm nhận.
Phở Cụ Chiêu mở cửa từ 5h sáng đến 23h, tọa lạc tại 48 phố Hàng Đồng, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phở 10 Lý Quốc Sư
Nhà báo Park Jeong Bae cho rằng đây là một trong những quán phở nổi tiếng nhất Hà Nội với ưu điểm là không gian đẹp, có chỗ ngồi khang trang.
"Nước dùng làm từ xương bò và có vị ngọt thanh. Sợi phở của quán to như sợi mì cỡ vừa của Hàn Quốc. Ta có thể thêm các loại rau thơm trên bát phở để tăng gia vị và nhìn tô phở trông hấp dẫn hơn" - Park Jeong Bae miêu tả.
Phở Thìn
Địa chỉ tiếp theo mà báo Chosun giới thiệu là quán phở Thìn nằm ở số 13 phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Quán mở từ khoảng 5h đến 21h.
Trong một góc làm bếp, bảng thực đơn có in hình khuôn mặt của người sáng lập và dòng chữ "Phở Thìn 1979" (nghĩa là quán phở có từ năm 1979) được treo trang trọng.
Một bát phở ở đây có giá khoảng 70.000 đồng. Nhà báo Park Jeong Bae cho rằng quán có mức giá cao hơn so với mặt bằng chung.
Theo anh, hương vị phở Thìn tương tự như món xúp thịt bò của nhà hàng Hadongkwan, một nhà hàng truyền thống nổi tiếng ở Seoul:
"Nước dùng đậm đà, béo ngậy và ngọt ngào. Đó là hương vị mà người Hàn Quốc sẽ thích".
Phở Bát Đàn
Trên tờ Chosun, Park Jeong Bae tả hương vị phở Bát Đàn ngọt và thanh. Sợi phở mỏng và miếng thịt mềm tan. Giống phở Cụ Chiêu, trong danh sách gia vị nêm nếm của quán cũng không có chanh, để giữ hương vị phở nguyên bản.
"Đây là nơi có hàng dài người xếp hàng từ sáng. Khi bước vào, tôi thấy người chủ đang khéo léo thái thịt" - nhà báo người Hàn kể lại trải nghiệm của mình tại Phở Bát Đàn.
Nguồn gốc của phở ở đâu?
Theo ghi nhận của Park Jeong Bae, tài liệu đề cập trực tiếp đến món ăn này là cuốn Từ điển tiếng Việt, cùng với lời giải thích: "Phở là món ăn làm từ sợi phở và thịt bò thái nhỏ. Có hai loại phở phổ biến là phở bò tái và phở xào".
Phở được cho là có vào đầu thế kỷ 20, quê hương của phở là ở tỉnh Nam Định:
"Người dân làng Vân Cù, Nam Định đã làm và bán một món ăn có thể coi là nguồn gốc của phở ngày nay. Món ăn với những nguyên liệu sơ khởi như: nước luộc xương bò, sợi phở, rau thơm và thịt bò.
Món phở trở nên phổ biến và được đa số người lao động ở các thành phố lớn của miền Bắc Việt Nam ưa chuộng.
Đặc biệt, phở được bán với số lượng lớn ở Hà Nội, rồi dần dần khẳng định mình là một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của vùng đất thủ đô nước Việt".
Vinh dự hơn nữa là phở Nam Định và phở Hà Nội vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Và ta thấy rõ ràng danh tiếng của phở Việt Nam đang càng ngày được nâng tầm và lan tỏa rộng rãi. Món ăn này sẽ luôn là một nét ẩm thực đáng tự hào và được nhiều du khách nước ngoài quan tâm, chú ý khi đến Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận