Ảnh chụp vào tháng 4-2017 khu nhà máy sản xuất của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: YONHAP
Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang trên đường tới Việt Nam dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trọng tâm khác trong chuyến đi của ông Kim chính là ông sẽ học hỏi được những gì từ công cuộc "Đổi mới" của Việt Nam, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 25-2 đưa ra nhận định.
Đầu tháng này, ngay sau khi Nhà Trắng chính thức công bố địa điểm diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là Việt Nam, người ta bắt đầu đồn đoán về khả năng ông Kim Jong Un đến thăm các nhà máy sản xuất lớn của Việt Nam.
Sự chú ý ngày càng nhân lên sau khi truyền thông Triều Tiên tiết lộ danh sách các quan chức tháp tùng ông Kim Jong Un tới Hà Nội. Trong danh sách này có ông O Su Yong - Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên đảm trách vấn đề kinh tế.
"Với việc đến thăm nhà máy, Triều Tiên có thể gửi cho thế giới thông điệp rằng nước này muốn nhận đầu tư từ các công ty nước ngoài", giáo sư Yang Moo Jin đến từ Đại học nghiên cứu Triều Tiên (UNKS) ở Seoul, nhận định.
Một cánh đồng lúa của nông dân Triều Tiên ở đảo Hwanggumpyong nằm bên sông Yalu, gần thị trấn biên giới Sinuiju của Triều Tiên, đối diện thành phố Đan Đông của Trung Quốc trong ảnh chụp ngày 19-6-2015 - Ảnh: REUTERS
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc còn điểm qua nhiều thành công của Việt Nam kể từ sau chương trình cải cách "Đổi mới", như bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995 và việc hai nước - từng là thù địch, ký Hiệp định Thương mại song phương vào năm 2000.
Một trong những thành công lớn của Việt Nam sau khi thực hiện chính sách "Đổi mới" là trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Theo Ngân hàng thế giới (WB), GDP của Việt Nam đã tăng từ 14 tỉ USD vào năm 1985 lên tới 224 tỉ USD vào năm 2017.
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên ngày càng đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo Yonhap, giới chuyên gia nhận định Việt Nam chính là một trong những hình mẫu tốt nhất để Triều Tiên học hỏi hiện nay.
"Trường hợp của Việt Nam cho thấy rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ vốn cần thiết và cuối cùng có thể dẫn tới việc gia nhập WTO để hoàn tất quá trình cải cách và mở cửa", nhà nghiên cứu Cho Kyung Hwan, thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc, phân tích về tương lai rộng mở của Triều Tiên khi cải thiện quan hệ với Mỹ.
Chính quyền ông Trump cũng từng đề xuất Triều Tiên học hỏi mô hình phát triển của Việt Nam. Hồi tháng 7-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Donald Trump tin tưởng Triều Tiên có thể đi theo con đường giống Việt Nam trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Washington và tiến tới thịnh vượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận