Nhiều trận ngập đến mái hiên và ngập lâu suốt nhiều ngày khiến người dân Chương Mỹ cười ra nước mắt ví von chạy lũ là... "nghề gia truyền nhiều đời".
Nguyên nhân gốc rễ vì sao và có giải pháp nào khắc phục triệt để rốn lũ này?
Cây đa ngoài cánh đồng làng Hạnh Bồ (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từng ngập tới tán. Dân làng bủa lưới ở ngọn đa, tóm được cả ổ cá. Câu ca dao "Bao giờ chạch đẻ ngọn đa..." đúng nghĩa đen lũ lụt ở vùng này.
Những trận lũ lụt nặng nề
Ông Nguyễn Văn Tuyền, bí thư chi bộ thôn Hạnh Bồ, kể: "Lũ lụt về cao nhất là năm 1971. Làng tôi đánh dấu cái cột điếm cổ giữa làng, dấu mực nước trên cột điếm cao 1,6 mét so với mặt đường. Năm 2018 bị một trận cao gần bằng năm 1971, còn năm nay chỉ thua năm 2018 hơn chục phân".
Nhiều nhà bị ngập tới cổ. Ở mấy xóm thấp, nước mấp mé mái hiên nhà. Nước tràn mặt đê Hữu Bùi, xã thông báo trên loa, bộ đội, dân quân, thanh niên trai tráng của làng bỏ đê, quay về chuyển đồ. Người già, trẻ con lên thuyền đi sơ tán. Sau một đêm, cả làng mênh mông nước.
Gần hai tuần lũ lụt mới chịu rút khỏi những gò đất cao nhất ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội).
Cánh đồng vẫn mênh mông nước, trạm bơm tiêu nước đầu làng Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) chưa xây xong đã ì ục bơm nước. Mặt đường bê tông tanh ngòm mùi rêu, mùi bùn. Hơn chục ngày lũ, bọn ốc bươu vàng bò lên đẻ đầy ngọn cau.
Quân đội, công an thay nhau đến giúp dân dọn bùn, kê đồ, tiếp tế đồ ăn nước uống. Nhà văn hóa cũ của thôn Lý Nhân có ba gia đình với hơn nghìn con gà sống chung trong những ngày lũ.
Xã Nam Phương Tiến có ba thôn ngập sâu nhất là Lý Nhân, Hạnh Bồ và Nam Hài. Hơn 7.000 nhân khẩu trong thôn cứ đến mùa lũ là thấp thỏm lo chạy lũ. Người trong làng tự nhận là có nghề "chạy lũ gia truyền".
Ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý, nhẩm tính từ năm 2008 đến giờ có bốn lần lũ tràn đê, còn ngập úng cục bộ thì năm nào cũng có.
Mỗi lần lũ lụt tràn đê, ba làng Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài như... đảo chìm. Nhà nào cũng lội bì bõm, nhiều nhà ngập tới nóc, bốn bề mênh mông nước.
Nhà văn hóa mới của thôn Nhân Lý có nền cao hơn mặt đường cả mét, lũ vẫn tràn đầy sân, chưa đầy một gang tay nữa là tới nền gạch hoa trong nhà. Lũ về, nhà văn hóa thành nhà chung của làng. Lũ rút, nhà văn hóa lại thành nơi tập kết hàng cứu trợ.
Ông Lực cho hay: "Có nền nhà văn hóa mới lấy mực nước năm 2018 làm mốc. Trận lụt 2018 chỉ thua trận năm 1971 chừng hai gang tay. Nhà cửa trong thôn nhà nào cũng tôn nền thật cao, có nhà ngồi trong hiên nhìn ra đã cao hơn cổng.
Nguyên cái chuồng gà cũng vài chục xe đất đá làm nền, đầu hồi nhà là thuyền, mủng. Cứ có thông báo lũ về là cả làng hò nhau kê đồ chạy lũ".
Xóm đảo giữa làng
Chòng chành hơn chục phút trên chiếc thuyền tôn bé như cái chảo sao chè đập méo, chúng tôi mới ra được xóm Đồng Rạch có 30 nhà chơ vơ trong biển nước gần giữa tháng 8.
Nước tràn đê, Đồng Rạch bị ngập đầu tiên, đến khi bùn rêu trong vườn các nhà khác trong làng khô cong, nứt nẻ thì nước mới rút hết khỏi Đồng Rạch.
Nhà bà Đào Thị Lân, 59 tuổi, nằm ngay bên đường vào giữa xóm. Giường, tủ, bàn ghế treo lủng lẳng trên xà nhà. Những ngày lũ lụt, vợ chồng bà không sơ tán mà sống bì bõm vì đã quá quen.
Nền nhà cao lưng cổng, bếp có hai tầng, cả kho thóc cũng cao quá đầu người. Thế mà những hôm nước lên cao nhất, chỉ hơn một gang tay nữa là nước "hỏi thăm" chục bao thóc mới gặt vụ chiêm.
Nhà bà Lân may mắn chạy được lũ, đồ đạc gần như còn nguyên vẹn. Căn nhà đầu ngõ chạy không kịp, lũ về nhấn chìm cả năm tạ thóc, hết cái ăn trong cả năm.
"Lũ về nhanh quá, vài tiếng là ngập vào sân, qua đêm đã dâng lên tận giường. Năm 2017 ngập còn cao hơn, nhưng không về nhanh như lũ lần này. Đồ đạc trong nhà phải treo lên cao hết, đuối lắm, cả nhà lên gác ngủ chung", bà Lân kể.
Gác nhỏ nhà bà xây cũng là để tránh lũ lụt, chỉ trải vừa một manh chiếu, có cửa sổ ra ngoài. Từ cửa sổ, chồng bà Lân bắc một tấm ván rộng bằng hai bàn tay qua bên gác bếp. Suốt mùa lũ, cả nhà phải qua lại chiếc cầu tạm đó để nấu nướng, tắm giặt.
Ở xóm Gạch (thôn Nam Hài), bà Nguyễn Thị Hoa phải mất 10 xe ô tô xỉ gạch để tôn nền chuồng gà. Trước ngày lũ, trưởng thôn thông báo trên loa nước sắp tràn đê, nhà nhà chạy lũ. Bà Hoa (54 tuổi) với mẹ chồng 78 tuổi ì ạch đủn con lợn sề hơn hai tạ lên chuồng gà.
"Nhà neo người nên cả đêm mẹ con tôi phải đuổi đàn lợn lên chuồng gà. Lợn con thì dễ nhưng hai con lợn sề nặng hơn hai tạ, nó lì chẳng chịu đi. Vừa lấy roi vụt vừa đủn nó, hai mẹ con tôi chẳng còn sức, chỉ sợ nó đè cho một cái thì khổ!", bà Hoa nói.
Con cái đi làm xa không về kịp, lũ lụt dâng nhanh, con ngõ vào nhà bà nước ngập tới cổ, trong làng nhà nào cũng lo kê đồ, chạy lũ nên hai mẹ con bà Hoa phải tự xoay xở.
Sống gần trọn một đời, qua hàng chục lần ngập lụt, mẹ con bà Hoa đã quá quen. Căn nhà cũ của gia đình bà có nền cao, hòn đá kê chân cột cũng là cái mốc không thể quên trong trận lụt năm 1971.
Năm ấy lũ lên tới nền nhà chính, nhà ngang (bếp) ngập tới đùi. Năm nay bà Hoa mặc cái quần liền ủng bì bõm nấu ăn trong những ngày lũ. "Khổ nhất là lấy nước cho đàn gà, đàn lợn.
Tôi phải chở xô nước từ cái bể cuối vườn trên xe rùa, đủn lên chuồng gà. Nước cứ ngập tới đùi, xe rùa ngập trong nước, đủn đi vừa nặng vừa chòng chành. Hơn chục ngày lũ mặc cái quần liền ủng bợt cả da rồi", bà Hoa kể.
Nguyên nhân lòng chảo lũ lụt ở Hà Nội
Vùng trũng Chương Mỹ và một phần Quốc Oai (thành phố Hà Nội) nằm giữa sông Bùi, sông Tích và sông Đáy thường xuyên bị ngập. Ghi nhận của UBND huyện Chương Mỹ từ năm 2008 đến nay đã có bốn trận ngập nặng, có nơi ngập sâu tới vài mét.
Từ ngày 24-7 vừa qua, mưa lớn kèm theo lũ trên các sông Bùi, sông Tích khiến bốn xã của Chương Mỹ là Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Xuân Mai bị ngập sâu trong nước.
Bà Nguyễn Bích Thủy, trưởng phòng quy hoạch - quản lý đê điều (Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ thời xa xưa cha ông ta đã chọn Chương Mỹ là vùng phân lũ cho Hà Nội vì nó trũng lại chẳng có vùng nào chứa được nhiều nước như vậy.
Trước đây, khi những đoạn đê ngăn lũ cho Hà Nội chưa được kiên cố như giờ, nước dâng cao buộc phải phân lũ. Lũ sông Hồng phân về các vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc) Thanh Thủy (Phú Thọ), Yên Dũng (Bắc Giang) nhưng nơi phân lũ nhiều nhất ngay Hà Nội là Chương Mỹ.
Nước dâng đến báo động 3 buộc phải mở cửa phân lũ vào sông Đáy. Đúng thời điểm ấy nước sông Bùi, sông Tích dâng cao thì nhiều nơi ở Chương Mỹ ngập.
Bên cạnh đó là "lũ rừng ngang" - những con lũ từ suối nhỏ thốc vào sườn sông Bùi khiến gần như năm nào Chương Mỹ cũng bị ngập, có khi ngập cả tháng, ngập cả trạm bơm.
"Trận lũ lịch sử ở Chương Mỹ là trận lũ năm 1971. Năm ấy nước sông Hồng lên cao, nguy cơ vỡ đê, buộc phải phân lũ. Các năm 2008, 2018 và đợt lũ vừa rồi chưa phải phân lũ sông Hồng nhưng Chương Mỹ vẫn ngập nặng", bà Thủy nói.
------------------
Hiếm con sông nào bị lũ đặc biệt như sông Bùi. Lũ vừa dồn về từ thượng nguồn, vừa dai dẳng vì chẳng có chỗ thoát lại vừa kéo đến nhanh từ "lũ rừng ngang".
Kỳ tới: Lũ rừng ngang đổ nước về Hà Nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận