Phóng to |
Máy điện thoại tiền xu nằm buồn thiu, không ai dùng! |
Máy điện thoại tiền xu: ế!
Mặc dù đã được Bộ Bưu chính - viễn thông cấp phép triển khai dịch vụ điện thoại trả tiền xu từ lâu, nhưng đến nay kế hoạch lắp đặt khoảng 1.000 máy điện thoại tiền xu (mỗi máy trị giá hơn 3 triệu đồng) của Nhà máy thiết bị bưu điện (thuộc Tổng công ty Bưu chính viễn thông - VNPT) vẫn chỉ trong giai đoạn thử nghiệm.
Tình trạng này không chỉ xảy ra với dịch vụ mới của VNPT mà cả dịch vụ điện thoại tiền xu của Công ty Dịch vụ viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) và hàng loạt dịch vụ bán hàng tự động của Perfetti Van Melle Việt Nam, EzVending...
Thực tế cho thấy tại Hà Nội, các máy điện thoại tiền xu của VNPT được đặt ở những bưu cục, bưu điện, ngân hàng đều phủ một lớp bụi dày cộp như chưa hề có người sờ đến. Chị Tâm - một nhân viên của Quĩ tiết kiệm trên đường Thụy Khuê, nơi đặt máy điện thoại tiền xu - cho biết: “Mặc dù loại máy này đã lắp đặt được vài tháng nhưng rất ít người sử dụng. Một phần do hệ thống này còn mới, người dùng phải đọc hướng dẫn sử dụng, lại thêm rất ít người dùng tiền xu. Hơn nữa, nhiều người đã có điện thoại di động để gọi khi cần thiết”. Chưa nói, hiện nay tại các điểm công cộng đã có dịch vụ điện thoại thẻ cũng khá tiện lợi, nên việc dùng tiền xu để gọi điện không được đón nhận một cách hào hứng.
Một cán bộ quản lý chiếc máy bán hàng tự động với sản phẩm nước giải khát đóng lon như Pepsi, Coca... đặt tại ga Hà Nội cho biết dù được đặt tại nơi có lượng người qua lại rất đông song số người mua hàng vẫn rất ít. Mỗi ngày máy thu được chỉ hơn 100.000 đồng.
Mặc dù việc giao dịch bằng tiền xu ở phía Nam khả quan hơn ở Hà Nội, nhưng theo một phó tổng giám đốc Công ty viễn thông Saigon Postel: “Trong những ngày tết, dịch vụ điện thoại trả bằng tiền xu SPT thử nghiệm ở một số địa điểm Nam Sài Gòn cũng đã thu hút được nhiều người dùng, nhưng những ngày gần đây lại trở nên vắng vẻ. Nguyên nhân chính vẫn là ít người dùng tiền xu”.
Phóng to |
Máy bán hàng tự động cũng vắng khách |
Ông Trần Hải Vân, phó giám đốc Nhà máy thiết bị bưu điện, cho rằng hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng tiền xu có mệnh giá thấp trong thanh toán tự động. Phương thức thanh toán bằng tiền xu, thẻ từ... đang dần thay cho việc sử dụng tiền truyền thống. “Nhưng ở Việt Nam, người dân đã mất thói quen sử dụng tiền xu vài chục năm nay. Nếu việc sử dụng tiền xu trở nên phổ biến, VNPT sẽ không chỉ triển khai dịch vụ điện thoại tiền xu trên toàn quốc mà còn nghiên cứu đưa vào hoạt động cả hệ thống máy bán hàng tự động” - ông Vân nói.
Tương tự, Saigon Postel cho biết sẽ lắp đặt vài chục máy điện thoại tiền xu nếu hệ thống thử nghiệm hiện nay của công ty cho kết quả tốt. Hết tháng tư, Saigon Postel sẽ có kết luận chính thức.
Ông Ben V.Cat - tổng giám đốc Công ty sản xuất máy bán hàng tự động C.A.T International - cho rằng tiềm năng của máy bán hàng tự động ở VN là rất lớn, vì thị trường hầu như vẫn chưa được khai thác. Hiện người dân VN đang trong quá trình thích nghi với việc sử dụng tiền xu và các loại máy bán hàng tự động. “Những đối tượng chúng tôi tiếp xúc đều tỏ ra rất quan tâm và có hứng thú với loại hình kinh doanh mới này. Chúng tôi tin trong những năm tới loại hình này sẽ dần phát triển như các nước trên thế giới”.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước VN cho biết nhằm tạo thói quen cho người sử dụng tiền xu, tới đây sẽ thu hồi và không đưa ra lưu thông những đồng tiền giấy có mệnh giá thấp. Một chuyên gia thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Những bất tiện trong bảo quản, kiểm đếm tiền kim loại không phải chỉ ở riêng VN mà là chung của các nước có sử dụng tiền kim loại.
Thực tế ở các nước đã sử dụng tiền kim loại từ nhiều năm và đã trở thành thói quen của công chúng, bất tiện này ảnh hưởng không đáng kể đối với việc lưu thông tiền kim loại. Hơn nữa hiện nay một đồng tiền giấy có mệnh giá tương đương chỉ có thể dùng được 8 - 10 tháng là phải hủy, còn một đồng tiền xu loại tốt, thời gian sử dụng là 40 năm, loại bình thường cũng được 20 năm. Như vậy chi phí in, đúc tiền sẽ rẻ hơn rất nhiều”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận