09/11/2018 11:43 GMT+7

Bao giờ học sinh Việt được ăn ngủ, tập thể dục đúng nghĩa?

NGUYỄN NGỌC HÙNG (TP.HCM)
NGUYỄN NGỌC HÙNG (TP.HCM)

TTO - Ở các nước, học sinh được rèn thể lực thường xuyên, liên tục, kiên trì từ bậc tiểu học. Trong khi đó học sinh Việt tập thể dục ít, thiếu ngủ, ăn uống vội vàng...

Bao giờ học sinh Việt được ăn ngủ, tập thể dục đúng nghĩa? - Ảnh 1.

Một tiết học thể dục môn cầu lông của học sinh Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: N.HÙNG

Trong một tuần, Tuổi Trẻ nhận được hai lá thư bạn đọc, một là trăn trở trước thực trạng giáo dục thể chất ở nhà trường phổ thông và một là chuyện ăn ngon miệng, ngủ đủ giấc còn là “giấc mơ” của nhiều .

Học thể dục kiểu... cho có

Cháu gái tôi đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM. Mỗi tuần, thấy cháu có hai lần mặc đồng phục thể dục, tôi hiểu ngay năm nay chương trình đã tăng lên hai tiết thể dục/tuần so với năm ngoái chỉ có một.

Cháu kể về thể dục ở trường: chỉ cho tập bài thể dục bình thường, học sinh tập rất chiếu lệ. Cả tiết học chỉ đổ mồ hôi vì... thời tiết nóng chứ không phải vì vận động. Thỉnh thoảng các cháu "được" chạy vài vòng quanh sân trường (rất hẹp). Các môn thể dục thể thao khác thì phải đăng ký tham gia học ngoại khóa.

Mới đây, chị họ cháu ở bên Mỹ về chơi ít ngày. Sáng cuối tuần, chị rủ em đi thể dục cùng ông ở công viên Hoàng Văn Thụ. Chị đang học năm thứ 3 đại học, nhanh nhẹn và hoạt bát lắm. Tới công viên, chị rủ em cùng chạy.

Nhưng chỉ được vài chục mét thì em hụt hơi, ôm bụng thở dốc. Em đành dừng lại, cùng ông đứng tập tại chỗ để chị chạy một mình.

Chị chạy nhiều vòng lớn rồi dừng lại chỗ hai ông cháu, lau mồ hôi đã ướt đẫm. Mấy ông bà, cô bác cùng đi bộ trong công viên đều trầm trồ khen cô gái chạy giỏi. Có người còn hỏi: "Cháu học đại học thể dục thể thao về chơi à?".

Hơn mười năm trước, có dịp sang Mỹ thăm gia đình con gái, tôi chứng kiến cách cháu gái mình bước vào lớp 3 bên ấy. Một lần đến đón cháu sớm, thấy cháu đang chạy cùng các bạn quanh sân vận động của trường.

Trường tiểu học có một khu thể thao hẳn hoi, rộng cỡ sân bóng đá. Các cháu lớp 3 mà chạy quanh sân đúng bốn vòng. Cô giáo thể dục vừa chạy cùng trò, vừa động viên rất vui vẻ.

Cháu gái mình nhỏ nhoi ráng sức chạy cùng cả lớp một cách kiên nhẫn. Cháu nói ngày nào cũng có một giờ thể dục, ngày nào cũng rèn thể dục như rèn toán, rèn văn.

Khi cháu học lớp 11, tôi lại có dịp sang bên ấy vào thời gian nghỉ hè. Nghỉ hè nhưng các cháu tôi vẫn tự giác tập tành buổi sáng. Mỗi tuần chúng chạy đường dài ba lần. Thằng anh học lớp 12 thì chạy bảy cây số, em gái chạy ba cây. Sáng sớm ba ông cháu cùng ra khỏi nhà thì thoắt cái các cháu đã biến mất khỏi tầm mắt của ông.

Các cháu kể ở tiểu học ngày nào cũng có giờ thể dục, chủ yếu tập chạy, vận động và chơi với các loại dụng cụ như bóng, leo trèo... Lên THCS thì mỗi tuần chỉ đôi ba tiết thể dục. Còn "high school", tương đương THPT ở ta, chủ yếu chơi một môn thể thao như bóng rổ, bóng chày... Học sinh đăng ký tham gia các "team" theo sở thích của mình.

Vậy là người ta rèn thể lực từ khi mọi người còn ở tuổi tiểu học. Môn rèn thể lực được coi trọng ở bậc tiểu học như một môn chính, không thua gì toán và văn. Ngày nào cũng rèn thể lực như thế, qua năm năm tiểu học là thành thói quen và đã hình thành một cơ thể thích ứng với nhiều kiểu cách vận động thông thường.

Hơn nữa, ngày nào cũng có giờ rèn thể lực, cũng là dịp để học sinh được tiếp xúc không gian ngoài trời, sảng khoái đầu óc, giảm bớt áp lực hoạt động trí não.

Việc rèn thể lực một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì từ bậc tiểu học như vậy đã tạo thành nền tảng ban đầu cho cả một xã hội có sức khỏe tổng quát dẻo dai.

Ở Mỹ hoặc Tây Âu không khó để thấy rất nhiều người dù mập mạp nhưng họ đi bộ ào ào, mang vác nặng thoải mái. Đúng là kết quả của cả một quá trình được rèn thể lực từ tấm bé!

Ăn, ngủ, nghỉ còn chưa được thỏa mãn

Bao giờ học sinh Việt được ăn ngủ, tập thể dục đúng nghĩa? - Ảnh 2.

Con lớn của tôi năm nay học lớp 7. Ngoài chương trình chính khóa vào các buổi sáng thì học thêm ba buổi phụ đạo vào buổi chiều. Chương trình phụ đạo này do nhà trường tổ chức, có "đơn tự nguyện xin học" của phụ huynh học sinh.

Thời lượng học như vậy không phải là quá nhiều. Nhưng nhà tôi cách trường khoảng 5 cây số. Hằng ngày tôi dậy từ 5h45, chuẩn bị các thứ, 6h15 các con phải xong để đến trường.

Tôi thắc mắc không biết có bao nhiêu người lớn ăn được một bữa sáng với đầy đủ các dưỡng chất cho nửa ngày vào lúc 6h sáng và trong vòng 15 phút không?

Khi mới chuyển cấp từ cấp I sang cấp II, con gần như không nuốt nổi dù chỉ là nửa bát cháo loãng. Dù đã đặt chuông đồng hồ nhưng tâm lý lo sợ muộn học khiến con ngủ không yên giấc.

Có khi con choàng tỉnh lúc 4h sáng, sợ ngủ quên nên con dậy làm vệ sinh cá nhân, thay đồng phục. Xong rồi mệt quá lại nằm xuống thiếp đi.

Đến khi chuông reo dài từng chặp mà mẹ không thấy dậy, vào phòng thì con đang nằm ngủ mê mệt. Mẹ lay người thì con hốt hoảng ngồi bật dậy, giọng gần như khóc: "Mẹ ơi, mấy giờ rồi, con có bị muộn không?".

Cả buổi sáng vừa thiếu ngủ, vừa đói lại vừa mệt, con gần như ngủ gục trong các tiết cuối. Trong sổ liên lạc con thường xuyên bị phê không tập trung khi cô đang giảng bài. Con có mang theo sữa để uống trong giờ ra chơi nhưng có bao nhiêu sữa cũng không đủ để bù lại cho giấc ngủ đã bị "đánh cắp".

11h15 con tan học, nhưng ba mẹ thì 12h mới hết giờ làm. Con vật vờ chờ ít nhất 45 phút ở cổng trường giữa trưa nắng. Con gần như kiệt sức vì đói và mệt.

Về đến nhà ăn cơm xong cũng là lúc 13h. Chưa kịp chợp mắt thì con đã phải vội vã chuẩn bị cho giờ học buổi chiều. Đôi khi buổi sáng cô giao bài tập, con tranh thủ làm nhưng cũng không kịp. 13h25 con lại cùng mẹ đến trường.

Ngồi trong lớp học giữa thời tiết nóng bức với một cái đầu thiếu ngủ lại khiến con đờ đẫn suốt những tiết đầu. 17h15 mẹ tới, rồi mẹ con lòng vòng đi đón em. Chậm chạp len lỏi qua hàng dài xe cộ, con về đến nhà lúc 18h. Việc đầu tiên con làm khi bước vào nhà là lên giường... đi ngủ.

Liệu con có ước mơ, có khát khao làm những điều lớn lao khi nhu cầu cơ bản nhất của con người là ăn, ngủ, nghỉ còn chưa được thỏa mãn?

Đại biểu Quốc hội than học sinh học hành quá khổ

TTO - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nền giáo dục hiện tại đang tạo áp lực lớn lên học sinh, phụ huynh và cả thầy cô, chưa làm cho học sinh thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc khi cắp sách đến trường.

NGUYỄN NGỌC HÙNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp