Khi nước lũ sông Thu Bồn dâng cao, tràn đập, phải rào chắn không cho người qua lại, cả thôn Đông Bình bị cô lập - Ảnh: M.T.
Đập Đông Bình cũng là con đường độc đạo dẫn vào thôn, cách mép nước sông Thu Bồn chưa đầy một mét. "Nhiều lần nước ngập sâu, một vài ngày mới rút. Nước "ngoạm" thân đập gây xói lở, dân lại phải bỏ tiền mua đá gia cố lại" - bà Trần Thị Hai (57 tuổi) kể.
Khi chưa có đập, Đông Bình là ốc đảo, chẳng có đường. Rồi người dân góp sức, góp tiền cùng chính quyền làm con đập dài hàng trăm mét, tạo một con đường băng qua sông. Nhưng đập quá thấp, mùa mưa nước sông dâng cao, cộng với thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, đập chỉ còn một màu đục vàng của nước lũ.
Bà Võ Thị Tịnh (85 tuổi) kể rằng cách đây hai tuần lũ về ngập đập, tràn đường, bà bị bệnh cao huyết áp, nửa đêm bệnh trở nặng mà không biết sao để qua bên kia sông đến bệnh viện.
Mỗi lần lũ tràn đập, ngồi bên này nhìn qua làng bên kia sông thấy dân đi lại làm ăn, buôn bán, học sinh đi học bình thường, cư dân Đông Bình khát thèm cái khung cảnh ấy lắm.
Trưởng thôn Đông Bình Võ Ngọc Thái cho biết khi lũ thượng nguồn đổ về, đập ngập sâu, thôn lại cử người chốt chặn, canh giữ không cho người qua lại nhằm đảm bảo tính mạng. Nỗi lo đầy vơi theo con nước và sợ nhất là vỡ đập. "Nước rút, nhà cửa còn ngập ngụa bùn non, mọi người đi ra đập xem thử có bị xói lở không, có thì tốn tiền mua đá, bỏ công gia cố lại.
Đập là con đường độc đạo để vào làng, nếu nó có bất trắc gì thì gần 370 hộ dân với 1.500 nhân khẩu sẽ bị cô lập. Khổ sở nhất là những người già bị đau ốm, phụ nữ sinh đẻ. Ở làng, những phụ nữ sắp sinh mà trúng mùa mưa bão thì phải qua thôn khác xin ở nhờ, để lỡ nước lũ tràn đập gây chia cắt thì còn có đường đến bệnh viện sinh nở. Nguyện vọng của dân làng muốn có cây cầu bắc qua sông để Đông Bình không phải là ốc đảo cô đơn mùa mưa lũ", ông Thái nói.
Quy hoạch đã có nhưng phải chờ
"Phải có cây cầu thì cuộc sống của dân mới ổn định, bền vững. Nước sông Thu Bồn mới báo động 1 thì đường vào thôn lại ngập, mọi hoạt động dừng lại, Đông Bình như một ốc đảo. Kiến nghị, đề nghị nhiều lắm, ngay cả trong quy hoạch của huyện, của vùng, cầu bắc qua Đông Bình cũng đã có. Nhưng nguồn lực đầu tư giờ chưa có" - ông Nguyễn Sáu, chủ tịch UBND xã Duy Vinh, nói về Đông Bình.
Ông Nguyễn Thế Đức - phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - nói: "Huyện đã kiến nghị tỉnh việc xây cầu, nhưng trước hết ưu tiên cho thôn Lệ Bắc, còn Đông Bình từ từ từng bước sẽ đầu tư. Xây cầu cần một nguồn kinh phí rất lớn, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh đầu tư".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận