21/10/2011 03:10 GMT+7

Bao giờ cho được... nghệ nhân?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - 11 người hát ca trù vừa được Hội Văn nghệ dân gian VN phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Người ốm quá không dậy nổi, người già quá mà nhà lại xa nên không đến nhận, còn năm nghệ nhân già bước lên bục nhận danh hiệu cũng phải có người đỡ từng bước. Bàn tay mỏi, bàn chân run, đến việc đón bó hoa và tấm bằng công nhận cũng lập cập.

Dù vậy, đó chỉ là sự vinh danh của Hội Văn nghệ dân gian VN. Còn danh hiệu nghệ nhân của Nhà nước đã rục rịch chuẩn bị từ thời nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh còn đi được từ làng Phú Đô (Mỹ Đình, Hà Nội) lên phố hát ca trù cho đến khi chân bà không bước nổi nữa vẫn chưa xong. Năm nay bà 92 tuổi.

Với lần công nhận 11 nghệ nhân này, GS Tô Ngọc Thanh (chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN) cũng thở dài: “Đợi Nhà nước không được nên chúng tôi phải làm thôi”. Nghệ nhân dân gian của hội, chẳng có gì ngoài bằng công nhận và số tiền 1,2 triệu đồng, nhưng ai chứng kiến mới hiểu cái sự nhiêu khê của thủ tục. Bên lề Hội nghị Kiểm kê di sản ca trù tổ chức ngày 13-10 vừa qua, GS Tô Ngọc Thanh cũng phải ký mỏi tay nguyên một thùng giấy tờ thủ tục để các nghệ nhân kịp nhận tiền vào đêm vinh danh 16-10.

Chuyện riêng của hội đã thế, còn chuyện phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú của Nhà nước cũng phải đi qua một “rừng” thủ tục. Hết đợi Luật di sản sửa đổi 2009 ban hành, đến đợi sự thống nhất giữa Bộ VH-TT&DL và Bộ Công thương, rồi đợi thông tư này, nghị định nọ. Theo lời ông Thế Hùng (cục trưởng Cục Di sản văn hóa), có đầy đủ thông tư nghị định rồi lại tiếp tục điệp khúc đợi: “Đợi các đơn vị, địa phương sẵn sàng”. Cũng không thấy ai lấy làm sốt ruột khi lớp nghệ nhân cứ già đi, yếu đi và dần dần khuất bóng. Mới đây khi bị chất vấn sao không hoàn thành việc phong tặng trước ngày 2-9-2011 như dự kiến, một lãnh đạo Cục Di sản văn hóa trả lời rất tỉnh: nói 2-9 chứ có nói năm nào đâu (?!).

Cũng khó mà biết năm nào khi các nhà quản lý đi qua “rừng” thủ tục bằng một thái độ vô cùng đủng đỉnh. Nhưng một năm, liệu có thống kê được số nghệ nhân đang nắm trong tay phần tinh túy nhất của di sản ra đi? Một đào nương ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thở dài: lớp trẻ muốn học hát phải đến tận giường vì các cụ yếu quá, lâu lâu nhớ tiếng ca trù cũng phải bế cụ đi hát, mà ai dám cho cụ hát nhiều vì biết đâu tiếng phách chết lặng lúc nào!

Thì vẫn hiểu danh hiệu chứ chẳng phải chuyện cháy nhà, chết người. Nhưng chẳng lẽ đợi ngày không còn ai mới lại có một lễ “truy tặng nghệ nhân tập thể” dành cho những người đã khuất?

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp