Giá cả tăng cao, người lao động chi tiêu chặt chẽ hơn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cơn bão giá đã được các chuyên gia đoán định ở tầm vĩ mô, nhưng với "những bà nội trợ nhỏ bé" như điện xẹt qua đầu, những rau, củ, cá, thịt, lật giở kho dự trữ… phải lên cấp tốc bài toán chi tiêu. Đâu đó chừng như có tiếng thở dài, bởi vì không biết mình có "bảo toàn" được mâm cơm gia đình trong sự tiết kiệm mà vẫn đủ lượng và chất.
Bữa xách giỏ ra chợ, sau khi thấy vẻ mừng vui vì khách hàng thường xuyên, khoái đi chợ như tôi đã trở lại sau hơn 1 năm covid, là nghe mấy chị tiểu thương than liền: "Chợ giờ vắng lắm chị. Người bán nhiều hơn người mua". "Không dám lấy hàng này nữa chị, phải có người dặn mới dám, vì giá cao quá lấy bán không được". "
Không như trước kia đâu chị ơi, ế ẩm lắm. Cái gì giá cũng cao nên người ta ngán". "Giá xăng tăng ba bốn bận liên tiếp, nên mọi cái đều tăng mà chị ơi". "Phải rồi, giờ đi Grab cùng đoạn đường như trước, tiền thì gấp đôi". "Nói đâu xa, bó rau mới hôm trước mười ngàn nay đã mười lăm hai mươi".
Các "bình luận viên" giá cả rào rào rót vào tai tôi những thông tin hết sức đặc trưng, xoay quanh chuyện tăng giá và cái túi tiền. Nhìn xuống cái giỏ đi chợ vẫn còn lép kẹp của mình, tôi ngẫm ra, hình như mình cũng đã mua đồ ăn ít lại, chỉ dám mua những món cần thiết, dễ nấu. Nhưng mua ít không có nghĩa là tôi xài ít tiền hơn. Với giá cả bây giờ, một vòng chợ, một vòng siêu thị, vài món vài thứ là đã cạn túi.
Hôm đi họp phụ huynh tổng kết cuối năm, nhiều phụ huynh nhận xong phiếu báo điểm của con mà mặt dàu dàu, không phải vì điểm số. "Nghe nói năm tới học phí tăng", "Nghe nói giá sách vở cũng tăng", "Ôi trời nhà ba đứa ở ba cấp lớp nè!"…
Khép lại năm học này, thì một đống chi phí của năm học mới, của thời gian sắp tới... chạy ào ào qua đầu những bà nội trợ như chữ của mấy dòng tin chạy trên truyền hình, cảm giác như chúng không có điểm dừng. Những chi phí này đều cần thiết, không thể cắt giảm.
Chị bạn của tôi điều trị bệnh ung thư, thuốc uống mỗi ngày theo toa bác sĩ. Một hộp thuốc chị mua hôm trước, hôm sau đã lên giá đâu trên 10.000. Nghĩ là ít, nhưng cũng méo mặt với ngày dài tháng rộng trước mắt. "Giá tăng rồi ít có giảm xuống lắm".
"Những bà nội trợ nhỏ bé" vận "nội ngoại công phu" đưa ra giải pháp siết chặt chi tiêu bằng cách chọn ăn cái gì tiết kiệm, chọn cái gì giá được được, dễ nấu cho bữa cơm nhà. Lên danh sách ưu tiên cho những món hàng cần thiết, ưu tiên cho chi phí khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe, ưu tiên việc học hành của con cái…
Giá xăng tăng "ngấm" vào từng gia đình, từng cơ thể, áp lực nhiều khi tưởng như mình sắp bị bốc cháy. Nhiều bà nội trợ nửa đùa nửa thật: "Mỗi lần giá xăng tăng tui lại phải đo huyết áp!".
Thu nhập tầm trung, những người có đồng ra đồng vào dù sao cũng đỡ hơn những người có thu nhập thấp… Dịch covid vẫn còn chìa cái đuôi thiếu thốn, giờ chới với trong cơn bão giá, lo kiếm tiền đắp đổi qua ngày, họ còn có chọn lựa ưu tiên gì cho đời sống của mình?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận