Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Nếu trước đây, béo phì vẫn được coi là một vấn đề mà người dân thành thị trên toàn thế giới gặp phải, thì một thực tế đáng lo ngại đang xuất hiện đó là căn bệnh này đang gia tăng một cách nhanh chóng ở các khu vực nông thôn, thậm chí với tốc độ còn chóng mặt hơn cả ở các đô thị.
Kết luận được các nhà nghiên cứu của trường Đại học Y tế công cộng thuộc trường Đại học Hoàng gia Anh công bố trên tạp chí Nature số ra ngày 8/5.
Để đưa ra được kết luận trên, khoảng 1.000 nhà nghiên cứu đã mất tới 33 năm (từ năm 1985-2017) để phân tích chỉ số khối cơ thể (BMI), dựa trên cân nặng và chiều cao, của khoảng 112 triệu người trưởng thành sinh sống tại 200 nước và vùng lãnh thổ.
Kết quả cho thấy người dân trên toàn thế giới đang trở nên béo hơn, với cân nặng trung bình tăng từ 5-6kg, và hầu hết những người tăng cân sinh sống ở các khu vực vùng nông thôn.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra "sự thay đổi lớn" của BMI về mặt địa lý. Nếu trong năm 1985, những người sinh sống ở thành thị tại hơn 3/4 số nước nghiên cứu có BMI cao hơn những người sống ở khu vực nông thôn, thì chỉ sau 30 năm, khoảng cách BMI giữa những người nông thôn và thành thị tại nhiều nơi đã giảm đáng kể, thậm chí là còn đảo ngược.
Theo nghiên cứu, BMI trung bình của cả đàn ông và phụ nữ sinh sống ở nông thôn, trong giai đoạn từ năm 1985-2017, tăng 2,1, trong khi tại thành thị mức tăng này đối với phụ nữ là 1,3 và đàn ông là 1,6.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra những khác biệt cơ bản dựa trên mức thu nhập. Đơn cử, tại các nước có thu nhập cao, chỉ số BMI ở nông thôn nhìn chung đã cao hơn trong năm 1985, chủ yếu là ở phụ nữ.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng người dân sống ở khu vực nông thôn tăng cân nhiều là do thu nhập và trình độ học vấn thấp hơn, giá cả các thực phẩm bổ dưỡng cao hơn và ít các trung tâm thể thao hơn. Trong khi đó, người dân sinh sống tại thành thị lại có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, có thời gian luyện tập thể dục, giải trí, nâng cao sức khỏe.
Ở cấp độ quốc gia, nghiên cứu cũng đưa ra các kết luận gây chú ý. Theo đó, chỉ số BMI của cả đàn ông và phụ nữ sinh sống ở các quốc đảo nhỏ bé Nam Thái Bình Dương, ở mức cao nhất thế giới, thường là trên 30. Một số nước có số nam giới trưởng thành có mức tăng BMI lớn nhất gồm Trung Quốc, Mỹ, Bahrain, Peru và Cộng hòa Dominicana, trung bình 8-9kg/người.
Trong khi đó, chỉ số BMI của phụ nữ ở Ai Cập và Honduras, ở cả nông thôn và thành thị, tăng cao nhất thế giới. Ngược lại, phụ nữ nông thôn ở Bangladesh và đàn ông nông thôn ở Ethiopia có chỉ số BMI trung bình thấp nhất vào năm 1985, lần lượt là 17,7 và 18,4. Tuy nhiên, BMI ở cả hai nhóm đối tượng này đã tăng đáng kể vào năm 2017.
Tác giả công trình nghiên cứu trên, giáo sư Majid Ezzati nhấn mạnh các kết luận được đưa ra trong nghiên cứu buộc giới chuyên gia phải suy nghĩ lại cách thức đối phó với vấn đề sức khỏe toàn cầu.
Thừa cân, béo phì đã trở thành vấn nạn sức khỏe toàn cầu, khi nó kéo theo tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và ung thư ngày một tăng. Năm 2017, Liên đoàn Béo phì thế giới ước tính chi phí chữa các bệnh liên quan đến béo phì có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế mới chỉ chú trọng đến việc hạn chế bệnh béo phì đối với người dân sinh sống ở các đô thị.
BMI của một người, tính theo công thức cân nặng chia bình phương chiều cao, có thể giúp xác định một người bị thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng. Theo đó, một người có BMI trên mức 25 được coi là thừa cân, trên mức 30 là béo phì. Trong khi đó, những người có BMI trong khoảng từ 19 đến 25 là bình thường.
Thống kê cho thấy, thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người trưởng thành bị thừa cân, trong đó có 1/3 số người bị béo phì, cao gấp 3 lần so với năm 1975./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận