Hiện trường vụ tàu SE5 tông vào xe đầu kéo trên đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua P.Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 8-6 - Ảnh: Đức Trong |
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đường sắt tăng cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể đã xảy ra 86 vụ tai nạn, làm chết 76 người và bị thương 24 người.
Trước mắt cần chọn những vị trí đường ngang nguy hiểm nhất làm cầu vượt, còn lại là làm gác chắn cảnh giới. Về lâu dài, dứt khoát không để đường sắt và đường bộ giao nhau cùng trên mặt bằng |
Ông HÀ NGỌC TRƯỜNG |
Những đường ngang “chết người”
Đầu tháng 6 vừa qua lại xảy ra thêm hai vụ tai nạn trên đường ngang băng qua đường sắt. Cụ thể, lúc 19g ngày 8-6, trên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua P.Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai), đoàn tàu SE5 đã tông vào một xe đầu kéo và kéo lê chiếc xe này khoảng 20m khiến giao thông khu vực này tê liệt. Theo tài xế xe đầu kéo, khi điều khiển xe băng ngang đường sắt tại địa điểm trên thì thấy hai xe máy ở phía trước nên cho xe dừng lại và bị đoàn tàu tông thẳng vào.
Trước đó ngày 1-6, đoàn tàu YB2 chở khách từ Yên Bái đến Hà Nội đã va chạm với một xe tải qua đường ngang tại km129+200 đường sắt Hà Nội - Lào Cai (địa phận huyện Hạ Hòa, Phú Thọ).
Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết chiếc xe tải chở bêtông cố tình vượt đường ngang (có đèn cảnh báo) khi đoàn tàu đang lao tới.
Vụ tai nạn khiến xe tải văng xuống ruộng bắp, tài xế xe tải tử vong tại chỗ. Đầu máy tàu hỏa cũng bị văng xuống ruộng, hai toa tàu kế tiếp đầu máy bị trật bánh nghiêng khỏi đường ray. May mắn là 139 hành khách trên tàu đều an toàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Sài Gòn, ngành đường sắt đã được đầu tư hơn trăm năm nhưng chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cầu vượt, đường chui.
Trong khi đó, nhiều khu dân cư hình thành ở hai bên tuyến đường sắt và phát sinh nhiều đường ngang dân sinh nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường này...
Đơn vị quản lý tuyến đường sắt trên địa bàn TP.HCM cho biết TP tập trung đông dân cư sống dọc hai bên đường sắt. TP.HCM cũng có nhiều đường ngang băng qua đường sắt với mật độ xe lưu thông rất cao cùng với các công trình xây dựng thiếu đồng bộ, vi phạm tĩnh không và công trình xây dựng che chắn làm hạn chế tầm nhìn của lái xe, lái tàu.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - trưởng phòng kỹ thuật an toàn Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Sài Gòn, khó khăn hiện nay trong công tác quản lý là khi các đường ngang bị thắt nút cổ chai do TP mở rộng đường.
Cụ thể, TP đầu tư mở rộng đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận) thì ở đoạn có đường sắt đi qua chưa được mở rộng khiến giao thông ở đây ùn ứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Đồng thời trên các đường ngang trong nội thành TP.HCM, hệ thống các loại dây điện băng ngang, băng chéo dày đặc ở tầm thấp, vi phạm hành lang an toàn giao thông. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu, an toàn lao động khi đóng mở cần chắn, hạn chế tĩnh không của đường bộ do không thể mở hết cần chắn, khiến xe cộ va quệt cần chắn xảy ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã làm hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ nhưng hiện tượng phá hoại, cắt song sắt hàng rào làm lối đi vẫn còn xảy ra nhiều...
Giải pháp nào?
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, cách đây khoảng 10 năm, TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước đã cùng với ngành đường sắt đầu tư xây dựng 20km hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ và tổ chức lại đường gom.
Do đó, TP.HCM đã góp phần kéo giảm đáng kể tai nạn trên đường sắt ở khu vực địa bàn TP. Hiện nay, chỉ có TP.HCM thực hiện việc cảnh giới đối với các đường ngang không người gác và các điểm dân sinh băng qua đường sắt.
Tại một số địa phương như Biên Hòa, Long Khánh (Đồng Nai), tình trạng xâm phạm hành lang đường sắt tiếp tục xảy ra. Theo ông Hòa, cần giao các địa phương quản lý đường ngang và kiên quyết không cho mở đường ngang qua đường sắt.
Để kéo giảm tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Sài Gòn cho biết tại các đường ngang, ngoài việc lắp đặt đầy đủ các biển báo giao thông đường sắt, đường bộ, nên lắp đặt thêm panô tuyên truyền với các nội dung như: “Khi lưu thông qua đường ngang, quyền ưu tiên thuộc về tàu hỏa”, “Dừng lại, quan sát tàu hỏa khi băng qua đường sắt”, “Chú ý tàu hỏa”...
Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường - cảng TP.HCM - một chuyên gia của ngành đường sắt, cho rằng đến nay trên tuyến đường sắt có đến 3.000 đường ngang và hầu hết giao cắt trên mặt bằng nên tai nạn giao thông xảy ra là điều tất nhiên, khó tránh khỏi.
Theo ông Trường, ngành giao thông vận tải và các nhà khoa học cũng biết không thể tiếp tục để giao thông giữa đường sắt và đường bộ trên cùng mặt bằng, nhưng để khắc phục hiện tượng này rất khó vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
Theo ông Trường, giải pháp trước mắt là cần có hệ thống thông tin tín hiệu được đầu tư bằng công nghệ hiện đại, nhanh nhạy như trước khi đoàn tàu đến các chắn gác tự động đóng lại. Đây là công nghệ trong tầm tay mà các đơn vị trong nước có khả năng làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận