Trẻ thừa cân béo phì ngày càng nhiều - Ảnh: TỰ TRUNG
Điểm chú ý trong nghiên cứu này, là tỉ lệ học sinh TP.HCM thừa cân, béo phì đáng báo động. Nghiên cứu được thực hiện tại 33 trường học, trong đó có 10 trường tiểu học, 12 trường THCS và 11 trường THPT, với hơn 12.000 học sinh cân bằng về độ tuổi, giới tính cũng như khu vực sinh sống nội, ngoại thành TP.HCM.
Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh thừa cân, béo phì chung của cả ba bậc học ở mức 43,7%, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước (21,9% ở tất cả các bậc học năm 2009).
Nghiên cứu này do Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đặt hàng và được trình bày tại hội thảo "Vận động thể lực ở trẻ em và trẻ vị thành niên, vai trò và định hướng khuyến khích vận động" do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 22-12.
Ít vận động
Có con đang học lớp 4 nhưng đã nặng 39kg, anh Thành (TP.HCM) rất lo lắng vì đi khám dinh dưỡng bác sĩ bảo con anh dư 6kg.
"Con tôi bắt đầu dư cân từ lớp 3. Gia đình rất ý thức chuyện thừa cân, béo phì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên cũng tăng cường cho con vận động. Con học ở trường cả ngày rất ít vận động nên dư cân mà vẫn thiếu một số chất. Tôi mong trường có nhiều hoạt động hơn để con vận động chứ thế này con tôi sẽ bị béo phì", anh Thành chia sẻ.
Cũng theo anh Thành, lớp con của anh có rất nhiều học sinh bị thừa cân, béo phì. "Các con học cả ngày ở trường mà chủ yếu học văn hóa, không có các môn hoạt động thể chất. Thời khóa biểu của con tôi thấy kín các môn ngồi trong lớp", phụ huynh này nói thêm.
Một giáo viên thể dục bậc tiểu học ở TP.HCM cho biết theo chương trình hiện nay mỗi tuần học sinh tiểu học sẽ có hai tiết thể dục với thời lượng 70 phút/tuần, với 23 tiết thực học thì thời lượng môn giáo dục thể chất là ít.
Tuy là hai tiết thể dục với thời lượng 70 phút nhưng khi học, học sinh cũng phải chờ đến lượt nên việc học sinh vận động được trong giờ học vẫn không nhiều.
"Trong những ngày có tiết thể dục cộng với việc mỗi buổi được ra chơi 30 phút, nếu học sinh nào chơi cầu lông, bóng đá, bóng rổ, chạy nhảy với các bạn trong sân trường thì mỗi ngày (với học sinh bán trú) sẽ có khoảng một giờ thì các em cũng vận động đủ. Những ngày còn lại thì không thể vận động đủ", giáo viên này nói.
Một học sinh lớp 4 ở TP Thủ Đức, TP.HCM bị thừa cân - Ảnh: TỰ TRUNG
Chương trình học nặng
Ở bậc THCS, học sinh có hai tiết (90 phút) thể dục mỗi tuần và bị bủa vây bởi hàng loạt các môn học văn hóa, bài tập về nhà khiến các em không có thời gian vận động.
Một giáo viên chủ nhiệm bậc THCS kể: "Với những học sinh bán trú tại TP.HCM, mỗi ngày học sinh sẽ học tám tiết. Buổi sáng năm tiết, buổi chiều ba tiết. Học sinh sẽ được ra chơi tầm 25 phút và nghỉ trưa khoảng một giờ rưỡi. Mỗi tuần học sinh được học hai tiết thể dục thể thao".
"Tôi không ngạc nhiên về việc học sinh TP.HCM bị thừa cân, béo phì nhiều như vậy. Lớp tôi chủ nhiệm nhiều bạn 80 - 90kg. Hai tiết thể dục với các em không bõ bèn gì khi phải chờ đến lượt. Ra chơi thì không gian chật hẹp, các em không vận động, thậm chí giờ các em cũng chỉ chờ ra chơi để chơi điện thoại, chơi game...
Thời gian học văn hóa quá nhiều và ở bậc THCS các em phải giải quyết khối lượng bài về nhà rất nhiều mới theo kịp chương trình, đạt được tiến bộ trong môn học. Ngoài việc học ở trường nhiều em còn phải đi học thêm hoặc về nhà là ngồi ngay vào học.
Vì vậy lâu dần các em không thích vận động nữa. Là giáo viên tôi cũng lo lắng cho thể trạng của các em nếu các em cứ lười vận động như bây giờ", giáo viên này nói.
Thầy Phan Thành Nhân, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), cho biết: "Chương trình giáo dục thể chất với thời lượng 90 phút/tuần ở bậc THCS là chưa đủ.
Học sinh cần phải tham gia các câu lạc bộ thể chất ngoài giờ lên lớp. Nhưng do chương trình học văn hóa quá nặng nên nhiều học sinh phải đi học thêm nhiều, khiến các em phải ngồi nhiều, nên mới dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì nhiều trong nhà trường".
Nhiều trẻ em bị béo phì do sử dụng điện thoại chơi game liên tục, ít vận động - Ảnh: MINH ANH
Hệ lụy lớn với sức khỏe
TS Trần Thị Minh Hạnh, trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết hậu quả của thừa cân, béo phì ở học sinh tác động rất lớn không chỉ đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý đứa trẻ.
Về sức khỏe, thừa cân, béo phì kéo dài trong một khoảng thời gian sẽ dẫn đến bệnh mãn tính: rối loạn chuyển hóa đường (đái tháo đường), rối loạn chuyển hóa mỡ (tăng mỡ trong cơ thể): tăng chất béo có hại dẫn đến những bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, khớp, sức khỏe sinh sản.
Béo phì còn là nguyên nhân dẫn đến việc mỡ nhiều, mỡ nội tạng, mỡ trong bụng tăng lên. Lúc này, mỡ hoạt động như cơ quan nội tiết nên tăng viêm như mỡ trong máu, tăng huyết áp, ung thư...
"Tôi khám bệnh và nhận thấy bệnh nhân đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Trước đây, đái tháo đường là người già, trung niên nay có nhiều em ở tuổi sinh viên luôn. Trẻ béo phì có một đặc điểm là hồi nhỏ gia đình không phát hiện ra. Và điều khó khăn là điều trị cho trẻ béo phì phải từ sớm và phải có một chương trình nghiêm túc", bà Hạnh nói.
Cách đây hơn 10 năm, bà Hạnh, lúc đó là phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, đã có những nghiên cứu và khuyến cáo về vấn nạn thừa cân béo phì tăng lên trong học sinh TP.HCM. Đối với học sinh bị béo phì, gia đình phải rất nỗ lực và phải thay đổi các giờ học thể chất và phải thay đổi cả chế độ dinh dưỡng.
Tỉ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở ba bậc học tại TP.HCM là 43,7%, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Vai trò của cha mẹ rất quan trọng
Là giáo viên và cũng là phụ huynh thường đón con, tôi thấy khá nhiều học sinh các bậc học thừa cân, béo phì. Tình trạng này rất đáng quan tâm, lo lắng từ gia đình và nhà trường.
Nhiều nguyên nhân của việc trẻ thừa cân. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng từ các phụ huynh. Tiếp theo là nguyên nhân ít vận động, nhất là ở các thành phố lớn.
Không gian ở, không gian vui chơi, thể dục thể thao có phần hạn chế nên đứa trẻ càng dễ thừa cân. Học nhiều, ngồi nhiều cũng là một nguyên nhân béo phì. Nhiều học sinh các bậc học học cả ngày ở trường, tối về tiếp tục học thêm, khuya lại tự học nên thời gian ngồi quá nhiều, chưa kể việc ngồi xem tivi, điện thoại.
Những trường hợp thừa cân này, giáo viên chủ nhiệm vẫn thường nhắc nhở học sinh hạn chế ăn uống, nhất là các thức ăn quá nhiều chất béo. Giáo viên cũng trao đổi, góp ý để phụ huynh cho con ăn uống lành mạnh hơn, khoa học hơn và dành thời gian cùng con vận động nhiều hơn.
Để hạn chế học sinh thừa cân, cha mẹ có vai trò quan trọng nhất khi biết kết hợp chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế việc để con phải học nhiều, dành thời gian cùng con hoạt động thể dục thể thao nhiều hơn. Với nhà trường, ngoài việc quan tâm dinh dưỡng học đường thì cũng cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thể dục thể thao để thu hút học sinh tham gia.
Giáo viên THÁI HOÀNG (TP.HCM)
Môi trường vận động không có
Thời gian vận động quá ít và môi trường vận động không có. Các trường tiểu học sân đã nhỏ mà còn cấm các con chạy nhảy vì sợ vỡ đồ, sợ va chạm phải chịu trách nhiệm nên hầu như không cho phép chạy nhảy.
Có trường có các cột bóng rổ do một nhãn hàng tài trợ nhưng học sinh mang bóng vào chơi thì cấm. Các lớp học thể thao thì quá xa nhà và chi phí cao. Ngày trước các trường học được phép mở các lớp thể thao ngoài giờ, rất tiện nhưng giờ không được phép nên cũng hạn chế.
Bạn đọc HUY TRAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận