22/05/2014 11:17 GMT+7

Báo động lao động bỏ trốn tại thị trường Đài Loan

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TTO - Trung bình mỗi tháng có tới 600 lao động bỏ trốn tại thị trường Đài Loan, tỉ lệ bỏ trốn ngày càng tăng khi theo số liệu công bố (của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan) thì tháng 9-2013 có tới 782 người lao động bỏ trốn.

jHBEVF86.jpgPhóng to
Một số lao động Việt Nam đang làm việc tại các công xưởng ở Đài Loan - Ảnh: Hồ Văn

Tình trạng này đẩy nguy cơ đóng cửa thị trường ngày một gần như báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH gửi Thủ tướng Chính phủ có nhắc tới. Để cứu vãn tình hình, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết liệt xử phạt các công ty XKLĐ Việt Nam cũng như các công ty môi giới Đài Loan… nhằm làm trong sạch thị trường này.

Mới đây, hàng chục công ty môi giới Đài Loan cùng nhiều công ty XKLĐ Việt Nam đã bị Bộ LĐ-TB&XH xử phạt với hình thức tạm dừng việc tiếp nhận và phái cử lao động Việt Nam sang Đài Loan. Đây là động thái mà theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa là “làm trong sạch” thị trường Đài Loan, giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp để cứu vãn tình hình.

Trong chiến dịch làm sạch thị trường lao động ở Đài Loan, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho biết lâu nay thị trường Đài Loan phần lớn do các công ty môi giới Đài Loan kiểm soát và lũng đoạn. Cụ thể, các công ty môi giới này thuê giấy phép hoặc kết hợp với nhiều công ty XKLĐ Việt Nam làm ăn gian dối.

Họ kiểm soát từ khâu tuyển dụng đến thu phí… nên tha hồ "chặt chém" người lao động với mức phí cao gấp nhiều lần. Theo tố cáo của nhiều người lao động và điều tra của các cơ quan chức năng (của Bộ LĐ-TB&XH), các công ty này thu phí từ 5.000 USD đến dưới 10.000 USD/người, trong khi chi phí thực chỉ chưa đến 4.000 USD/người.

Một cán bộ công ty làm ăn với các môi giới Đài Loan cho biết việc thu phí hoàn toàn do các công ty môi giới kiểm soát. Các công ty Việt Nam chỉ được từ 100-200 USD/người khi đóng dấu trên hồ sơ phái cử của mỗi lao động. “Chúng tôi biết như vậy là thiệt hại lớn cho người lao động, nhưng nếu không làm ăn với họ thì không kiếm ra đơn hàng XKLĐ” - vị cán bộ này cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, việc thu phí "chặt chém" người lao động đã đẩy họ vào con đường bỏ trốn ngay khi đến Đài Loan hoặc khi gần hết hợp đồng làm việc. Tình trạng này không những gây thiệt hại cho người lao động mà còn đẩy thị trường này đến nguy cơ đóng cửa khi tỉ lệ lao động bất hợp pháp ngày càng tăng. “Một nỗi đau lớn hơn là dòng tiền họ thu bất chính từ người lao động lại chảy về Đài Loan qua các công ty môi giới của họ. Doanh nghiệp Việt Nam không thu được bao nhiêu, Nhà nước còn thiệt hại lớn về thu thuế”, ông Hòa cho biết tại một hội thảo về XKLĐ mới đây ở TP.HCM.

Để giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp, giảm chi phí cho người lao động, mới đây Dolab đã ra quyết định mức trần thu phí không cao hơn 4.000 USD/ lao động cho thị trường Đài Loan. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH còn tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý hành chính hàng chục công ty XKLĐ sai phạm.

Trong đó, 11 công ty Việt Nam đã bị tạm dừng việc phái cử lao động sang Đài Loan từ 45-60 ngày do thu phí, trừ tiền các khoản phí người lao động sai quy định. Hàng chục công ty môi giới Đài Loan đã bị Bộ LĐ-TB&XH tạm dừng không thời hạn việc tiếp nhận hồ sơ lao động Việt Nam do tổ chức thu phí cao hơn quy định nhiều lần. “Chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc họp với ngành công an nhằm làm sạch thị trường Đài Loan, trong đó thống nhất phát hiện sai phạm có yếu tố hình sự thì sẽ khởi tố vụ án. Đồng thời thu hồi giấy phép của các công ty sai phạm lớn” - ông Nguyễn Thanh Hòa cho hay.

Nhằm lành mạnh hóa việc cung ứng lao động cho thị trường Đài Loan và thực hiện lộ trình giảm phí cho người lao động tham gia thị trường này, ngày 14-3-2014, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đã tổ chức buổi ra mắt ban lãnh đạo Ban thị trường Đài Loan trước đại diện lãnh đạo và chuyên viên của trên 40 doanh nghiệp XKLĐ.

Việc ra mắt Ban thị trường Đài Loan nhằm vận động các doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng quy định của Nhà nước về thu phí của người lao động. Cụ thể, tổng chi phí của người lao động không vượt quá 4.000 USD, trong đó chi phí cho phía đối tác Đài Loan không vượt quá 2.800 USD đối với lao động công xưởng, còn đối với lao động chăm sóc người bệnh các mức tương ứng là 3.300 USD và 2.100 USD.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Dolab, cho biết việc xử phạt các doanh nghiệp vừa qua là từ thông tin tố cáo của người lao động. Các công ty cả Việt Nam lẫn Đài Loan đã thu phí dịch vụ, trừ tiền ăn, tiền ở của người lao động sai quy định. Các công ty bị xử phạt nếu không khắc phục, còn tái phạm sẽ bị xử lý nặng hơn, thậm chí sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp