09/06/2019 14:11 GMT+7

Báo động chất lượng đại học - Kỳ 2: Khi cử nhân dạy đại học

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Thống kê cho thấy nhiều trường ĐH trong cả nước sử dụng người có trình độ ĐH, thậm chí CĐ, để dạy ĐH khi họ được tính là giảng viên cơ hữu.

Báo động chất lượng đại học - Kỳ 2: Khi cử nhân dạy đại học - Ảnh 1.

Nhiều trường cho rằng giảng viên trình độ cử nhân chỉ hướng dẫn thực hành, thí nghiệm. Trong ảnh: sinh viên ngành dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành - Ảnh: ANH KHÔI

Theo khoản 2 điều 54 Luật giáo dục ĐH năm 2012, để được bổ nhiệm vào ngạch giảng viên ĐH thì một trong các điều kiện của người được bổ nhiệm là có bằng thạc sĩ.

Ông PHAN NHƯ NGHỆ (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)

Theo số liệu từ đề án tuyển sinh công bố trên trang tuyển sinh Bộ GD-ĐT, chúng tôi thống kê và nhận thấy Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương có số lượng giảng viên trình độ cử nhân chiếm đến hơn 50% tổng số giảng viên. Trong tổng số 433 giảng viên cơ hữu của trường có đến 228 người có trình độ ĐH, chiếm 52,6%. Riêng ngành điều dưỡng có tỉ lệ giảng viên trình độ ĐH lên đến 67%.

Tràn lan giảng viên trình độ ĐH

Không chỉ các trường mới được nâng cấp lên ĐH, ngay cả những trường có lịch sử hàng chục năm thì tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ ĐH vẫn rất nhiều. 

Tại Trường ĐH Bình Dương, tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ ĐH chiếm đến 45,5% tổng số giảng viên. Nếu tính theo ngành, nhiều ngành có số giảng viên trình độ cử nhân rất cao. Chẳng hạn các ngành ngôn ngữ Anh, văn học, công nghệ thông tin, điện - điện tử đều có tỉ lệ 65,3 - 69,5%. Riêng ngành kế toán có 22 giảng viên, trong đó có 4 thạc sĩ và 18 cử nhân. Tỉ lệ giảng viên cơ hữu trình độ cử nhân của ngành này lên đến 81,8%.

Tại Trường ĐH Võ Trường Toản, số liệu chúng tôi thống kê cho thấy số giảng viên trường kê khai cho kỳ tuyển sinh năm 2019 là 437 cho 9 ngành đào tạo, trong đó có 156 giảng viên trình độ ĐH, chiếm 36,5%. Ngành dược có 116 giảng viên nhưng có đến 62 giảng viên trình độ ĐH, chiếm 53,4%. 

Tại Trường ĐH Duy Tân tuy chỉ có 24,7% giảng viên cơ hữu trình độ cử nhân nhưng nếu xét theo từng ngành, có ngành tỉ lệ này lại rất cao. Các ngành có tỉ lệ giảng viên trình độ ĐH cao đều rơi vào nhóm ngành sức khỏe, trong đó ngành y khoa có tỉ lệ 43,1%, dược 58,8%, cá biệt ngành điều dưỡng lên đến 75,7%. 

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, ngành dược có 246 giảng viên, trong đó có 115 giảng viên trình độ ĐH, chiếm đến 56,7%.

Không chỉ các trường ngoài công lập, ngay cả nhiều trường công lập cũng có tỉ lệ giảng viên trình độ ĐH trên 20%. Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội có tổng số 276 giảng viên cơ hữu, trong đó có 65 giảng viên trình độ ĐH, chiếm 23,5%. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có số giảng viên cơ hữu trình độ cử nhân chiếm 22%. Thậm chí trong danh sách giảng viên cơ hữu giảng dạy các môn chung của Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh còn có 3 giảng viên trình độ CĐ!

Chỉ dạy thực hành

Theo kết quả thống kê và thông báo chính thức của Bộ GD-ĐT, năm học 2017-2018 tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH là 74.991 người, trong đó giảng viên trình độ tiến sĩ là 20.198, trình độ thạc sĩ là 44.634 và trình độ ĐH là 9.495 (chiếm 12,6%). 

Vì sao các trường lại sử dụng nhiều giảng viên có trình độ ĐH như vậy? Việc này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhất là nhóm ngành sức khỏe liên quan đến việc cứu người sau này?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - cho biết đây là con số giảng viên cơ hữu, chưa kể tới các giảng viên ở khối các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị thực hành chính của trường. 

Ngoài ra, trường có ký kết hợp đồng đưa sinh viên đến thực tập với nhiều bệnh viện khác. Các bệnh viện này liên kết đào tạo và có cử các cán bộ chuyên môn cao gồm rất nhiều giáo sư, phó giáo sư, thạc sĩ, chuyên khoa 2, chuyên khoa 1 tham gia giảng dạy lý thuyết và thực hành theo chế độ thỉnh giảng. 

"Như vậy, không phải chỉ có cán bộ cơ hữu kể trên giảng dạy và số cử nhân chủ yếu giảng thực hành. Hơn nữa, chúng tôi tiếp tục đào tạo số cán bộ ĐH này lên thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Cuối năm 2019 và 2020 sẽ có thêm 48 giảng viên học vị thạc sĩ. Do đó chất lượng giảng dạy không hề ảnh hưởng, ngược lại chất lượng được các cơ sở hoan nghênh đón nhận và đánh giá cao" - ông Minh nói.

Lý giải việc sử dụng giảng viên trình độ cử nhân, ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết việc trường có nhiều giảng viên trình độ ĐH là do lịch sử trường được nâng cấp từ trường CĐ, đào tạo bậc CĐ. Tuy nhiên, giảng viên trình độ ĐH chỉ tham gia hướng dẫn và giảng dạy thực hành. 

"Nhiều người trong số này là cán bộ nguồn được giữ lại từ những sinh viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Hơn 40 người đang học thạc sĩ, 30 người đang học cao học ở nước ngoài. Số giảng viên lâu năm có trình độ ĐH là trên 50 người" - ông Sơn cho biết.

Luật chưa thống nhất

Luật giáo dục 2005 và Luật giáo dục ĐH 2012 có điểm chưa tương đồng nhau về tiêu chuẩn giảng viên ĐH. Luật giáo dục 2005 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy CĐ, ĐH. Trong khi đó, Luật giáo dục ĐH 2012 quy định: trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên.

Theo ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH, Bộ GD-ĐT đã có quy định theo hướng từng bước giảm hệ số của giảng viên trình độ ĐH khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cho phép giảng viên có trình độ ĐH khi xác định chỉ tiêu đào tạo, hệ số được tính từ 0,8 năm 2011 giảm còn 0,3 năm 2019. Mặt khác, khi cơ sở giáo dục ĐH mở ngành đào tạo mới, Bộ GD-ĐT đã có quy định yêu cầu đội ngũ giảng viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Báo động chất lượng đại học - Kỳ 1: Giảng viên cơ hữu

TTO - Một người đứng tên giảng viên cơ hữu ở 2 trường khác nhau. Điều này tạo ra lượng giảng viên cơ hữu 'ảo' khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng không đúng thực tế.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp