Ông Phạm Văn Đồng cho biết dòng Bảo Định đang bị cạn và ô nhiễm nặng - Ảnh: HÙNG ANH
Nếu nhà máy giấy này được phép hoạt động, đến giờ có thể kênh Bảo Định đã... chết thật sự vì ô nhiễm.
Ông Nguyễn Thiện Pháp
Buổi sáng đứng bên dòng Bảo Định hà, ông Phạm Văn Đồng (ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) trải lòng với tôi: "Bao nhiêu năm, dòng kênh cung cấp nguồn nước tưới ruộng vườn. Nhưng lâu rồi không thấy ai nạo vét, con kênh bị ô nhiễm nặng, sâu chưa đầy 5m khi nước lớn, chứa đầy rác thải". Nghe cựu dân bên bờ này tâm sự mà ngậm ngùi cho thủy lộ lịch sử từng là kênh đào đầu tiên của đất phương Nam.
Gánh chịu ô nhiễm
Buổi chiều, đứng ngắm kênh êm đềm với tôi, ông Đồng kể theo trí nhớ của riêng mình thì lần gần nhất kênh Bảo Định được nạo vét bằng phương tiện xáng thổi là khoảng năm 1984. Lúc đó, người dân đôi bờ bị thiệt hại vườn tược rất nặng vì bùn thải tràn lấp.
"Do không được nạo vét và bị ô nhiễm nên lâu lắm rồi con kênh gần như không còn mấy tôm cá tự nhiên. Những năm gần đây, mỗi dịp rằm lớn, người dân mua cá thả xuống kênh để phóng sanh, mong muốn khôi phục lại nguồn lợi thủy sản", ông Đồng tâm sự.
Qua bên kia kênh, ông Bảy Hòa ở ấp Phú Khương A cũng chia sẻ đã rất lâu người dân hiếm còn sử dụng nguồn nước Bảo Định để phục vụ ăn uống, tắm giặt. "Rất may là hiện nay người dân có nước sạch từ những trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. Nếu không có nước máy, dân không biết phải làm sao", ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, cựu chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết kênh Bảo Định có kết nối với 19 kênh rạch lớn nhỏ của Tiền Giang, Long An. Hai cống ở hai đầu kênh có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt, nên dòng kênh như một hồ chứa khổng lồ, cung cấp nước tưới cho hơn 64.000ha đất của hai tỉnh, trong đó Tiền Giang chiếm hơn 43.000ha.
"Nhưng theo tôi biết thì từ năm 2010 đến nay, đoạn kênh dài hàng chục cây số giữa hai cống ngăn mặn không hề được nạo vét. Dù hai cống ngăn mặn vẫn đều đặn vận hành lấy nước, xả nước, nhưng do dòng chảy rất yếu, con kênh bị bồi lắng, ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi", ông Pháp nhận định.
Theo ông Pháp, nguồn nước Bảo Định ô nhiễm nặng chủ yếu vì nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của hàng chục ngàn hecta đất canh tác chảy ra kênh. Nó chứa đầy dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra còn có chất thải, nước thải sinh hoạt của hàng ngàn gia đình sinh sống đôi bờ. "Hai cống ngăn mặn ở hai đầu được điều khiển đóng mở theo chu kỳ. Vì vậy bản thân con kênh khó tự làm sạch theo cơ chế tự nhiên", ông Pháp nói.
Phía Long An, ông Lê Minh Đức, cựu giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng kể: "Trước năm 2010, nguồn nước Bảo Định đã bị ô nhiễm nặng. Tình hình ô nhiễm nghiêm trọng đến mức năm 2010, một dự án nạo vét kênh đã được đặt ra. Các phương án xử lý bùn rác đã được lựa chọn. Nhưng sau đó dự án đình trệ cho đến nay vì... không có kinh phí, trong khi con kênh ngày càng bị bồi lắng và ô nhiễm".
Ông Đức khẳng định chỉ có nạo vét khơi thông dòng chảy mới cứu Bảo Định hà thoát khỏi ô nhiễm. Nhưng ông Pháp cho biết việc nạo vét kênh không đơn giản. Hiện đôi bờ, nhà dân sinh sống rất nhiều, vườn tược dày đặc, nên giải pháp dùng xáng cạp, máy đào đất Kobe để nạo vét gần như không khả thi, bởi không có nơi để đổ bùn đất.
Giải pháp có ưu thế là dùng xáng thổi để nạo vét, bùn đất sẽ được các đường ống dài đưa ra xa khu vực dân cư. Nhưng phương pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi dự án do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, các địa phương không có vốn".
Tuy nhiên, nạo vét kênh Bảo Định chỉ là một giải pháp. Nhiều người bao đời gắn bó với dòng kênh lịch sử này tâm sự điều quan trọng nhất là phải hạn chế được nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của con người. Nhưng hiện nay, lưu vực những nguồn nước liên quan trực tiếp đến dòng Bảo Định đang có những khu công nghiệp lớn hoạt động, ngày đêm xả nước thải ra môi trường. Mấy năm trước, sông Bảo Định đã suýt chết vì một "siêu dự án" ở Tiền Giang.
Cồng Bảo Định đoạn chảy qua thành phố Mỹ Tho là nơi điều tiết nguồn cung cấp nước tưới phát triển nông nghiệp khu vực thành phố Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo.- Ảnh: HOÀI THUONG
Chuyện dòng sông suýt bị "bức tử"
Ông Pháp cho biết "siêu dự án" suýt giết chết sông Bảo Định và toàn bộ công trình thủy lợi Bảo Định là "siêu nhà máy giấy Đ.", được đặt tại một khu công nghiệp ở huyện Tân Phước, Tiền Giang.
Vào tháng 3-2016, dự án nhà máy sản xuất giấy này được trao giấy chứng nhận đầu tư. Nhà máy này chuyên sản xuất các loại giấy duplex, giấy kraft trắng (dạng giấy cuộn), giấy duplex xám (cactông xám), giấy kraft gợn sóng, giấy gia dụng... từ các loại giấy phế liệu. Công suất tối đa của nhà máy hơn 400.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư dự án lên đến 220 triệu đôla, là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh lúc đó.
Vì vậy, công ty này nhanh chóng được thuê hơn 227.000m2 đất xây nhà máy để có thể hoạt động từ tháng 8-2017. Ở giai đoạn 1, "siêu nhà máy giấy" sản xuất 175.000 tấn sản phẩm/năm. Những người có trách nhiệm của công ty này cho rằng họ sử dụng giấy phế liệu để tái chế nên mỗi ngày nhà máy chỉ cần khoảng 6.000m3 (hơn 2 triệu m3/năm) nước mặt từ dòng kênh Năng để phục vụ sản xuất, bình quân hơn 12,5m3 nước để sản xuất 1 tấn giấy thành phẩm. Vì vậy, lượng nước xả thải vào kênh Năng chỉ khoảng 5.000m3/ngày đêm (hơn 1,8 triệu m3/năm).
Nhưng kênh Năng là tuyến thủy lộ chính kết nối vùng Đồng Tháp Mười và kênh Bảo Định, chảy ra sông Tiền, nên mỗi năm phải gánh nguồn nước thải công nghiệp độc hại khổng lồ khiến mọi người bất an. Vì vậy sau khi UBND tỉnh Tiền Giang công bố dự án "siêu nhà máy giấy", người dân trong khu vực và các nhà khoa học về môi trường, thủy lợi đã phản đối gay gắt.
Tất cả đều quan ngại tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng sẽ xảy ra khi nhà máy giấy hoạt động. Dư luận lo ngại bởi nước thải của nhà máy giấy có nhiều hóa chất rất nguy hại đối với nguồn nước mặt tự nhiên, gây nguy cơ mắc các bệnh nan y cho người dân trong khu vực. Các nhà khoa học cho rằng sản xuất giấy từ nguồn giấy phế liệu cần rất nhiều nước với nhiều loại hóa chất độc hại để ngâm mềm, đánh tơi, tẩy rửa chất bẩn, mực in, màu sắc... của nguyên liệu. Cho nên con số 12,5m3 nước để sản xuất 1 tấn giấy từ nguồn giấy phế liệu là khó thuyết phục.
Cống ngăn mặn Bảo Định thuộc địa phận TP Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh: HÙNG ANH
Theo tính toán của giới khoa học, lượng nước cần thiết phải vào khoảng 35 triệu m3 trong giai đoạn 1 và lượng nước thải xả ra môi trường cũng tương đương. Với lượng nước thải khổng lồ đó, kênh Năng không thể tự làm sạch theo cơ chế dòng chảy tự nhiên. Do vậy, nguồn nước thải công nghiệp sản xuất giấy chứa nhiều hóa chất có độc tính cao sẽ từ kênh Năng chảy vào vùng Đồng Tháp Mười, chảy ra lưu vực kênh Bảo Định, sông Tiền, ảnh hưởng không riêng Tiền Giang mà còn liên quan các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp.
Thời điểm đó, nhiều người đã cùng ký tên vào đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh, yêu cầu không triển khai dự án "siêu nhà máy giấy" để bảo vệ nguồn nước. "Do người dân và các nhà khoa học phản ứng gay gắt, tháng 10-2018 UBND tỉnh Tiền Giang phải ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Nếu nhà máy giấy này được phép hoạt động, đến giờ có thể kênh Bảo Định đã... chết thật sự vì ô nhiễm", ông Nguyễn Thiện Pháp trải lòng.
Và vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bởi ai cũng mong cứu lấy dòng kênh lịch sử của miệt đất phương Nam...
Hiện tại, dù Bảo Định hà vẫn chưa được "giải cứu ô nhiễm" toàn diện, nhưng ở hai thành phố Tân An và Mỹ Tho đang có các dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang đôi bờ. Chỉ riêng tại TP Mỹ Tho, nhiều gia đình "chấp nhận hy sinh" để làm đẹp dòng Bảo Định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận