Kênh Bảo Định nối tiếp sông Tiền ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Có rất nhiều điều đặc biệt về con kênh này, từ cái tên Bảo Định hà do chính vua Gia Long đặt đến từng là thủy lộ thông thương lúa gạo quan trọng. Và đây cũng là con kênh mà người Pháp lần đầu dùng máy xáng cơ giới mở rộng ở miền Nam, để từ đó họ đào tiếp hàng trăm tuyến kênh rạch, khẩn hoang ruộng đồng.
Buổi sáng ngồi uống cà phê bên dòng Bảo Định êm đềm chảy quanh lòng TP Mỹ Tho, Tiền Giang, ông Ngô Hảo, cựu dân xã Mỹ Phong, cười kể với tôi: "Gần 30 năm trước chiều nước lớn đầy là tui và đám bạn chạy ra nhảy ùm xuống tắm. Hồi đó nước kênh còn trong lành lắm. Tui nghe ông bà nói kênh Bảo Định có tuổi hàng trăm năm và là con kênh đào đầu tiên dưới miền lục tỉnh".
Trước khi có cống ngăn mặn trên kênh Bảo Định, nhiều người thuê tui chở hàng từ Mỹ Tho đi Tân An. Lúc đó chạy tàu theo kênh Chợ Gạo thì xa, tốn kém xăng dầu, chỉ kênh Bảo Định là đường thủy ngắn nhất.
Ông VÕ THANH PHONG (một chủ tàu đò ở Tiền Giang)
Nhận diện kênh đào hơn 300 tuổi
Không riêng ông Hảo, với người dân TP Mỹ Tho và cả tỉnh Tiền Giang, Bảo Định là con kênh huyền thoại quá đỗi thân thuộc, bởi hai phần ba dòng chảy qua địa phận Tiền Giang. Bắt đầu từ ngã ba sông Tiền, Bảo Định hà chảy quanh co êm đềm trong lòng TP Mỹ Tho, đi giữa các phường 1, 2, 3, 4, 5, 7, 10, xã Mỹ Phong, xã Đạo Thạnh trù phú.
Trên chiếc ghe nhỏ, tôi đi tìm "dung nhan" dòng kênh lịch sử. Sau khi đi gần hết địa phận TP Mỹ Tho, bắt đầu từ một địa danh cổ xưa là Húc Đồng (nay là Hóc Đùng thuộc xã Đạo Thạnh) kênh Bảo Định êm đềm chảy về hướng TP Tân An (tỉnh Long An). Qua khỏi địa phận Mỹ Tho và huyện Châu Thành (Tiền Giang), con kênh đi ngang trung tâm quận lỵ Bến Tranh xưa, nay là xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).
Theo sử sách, Bến Tranh là tên một ngôi chợ có từ trước năm 1700, chuyên bán tranh lợp nhà, thuộc thôn Lương Phú, tổng Thạnh Quơn (sau là làng Lương Phú). Hồi đó, kênh Bảo Định chưa nên vóc nên hình, con rạch từ sông Tiền chảy vào Bến Tranh có tên là rạch Mỹ Tho và chợ Bến Tranh là điểm cuối của rạch.
Bến Tranh cũng từng là trung tâm một quận lỵ của tỉnh Mỹ Tho, do người Pháp thành lập vào tháng 2-1913. Đến đầu năm 1928, quận Bến Tranh bị giải thể, ba làng Lương Phú, Long Hòa và An Lạc của tổng Thạnh Quơn được nhập lại thành xã Lương Hòa Lạc cho đến ngày nay. Qua nhiều thăng trầm chia tách địa giới, chợ Bến Tranh hàng trăm năm tuổi vẫn tồn tại với thời gian mang vẻ sầm uất nhộn nhịp của giao thương hiện đại.
Sông Bảo Định tiếp nối sông Tiền ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh: HÙNG ANH
Từ Bến Tranh, dòng Bảo Định hà lại xuôi về xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, một địa danh cổ nổi tiếng. Xã Phú Kiết xưa là thôn Phú An (huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường).
Theo tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết trước khi vua Gia Long cho đào rộng thêm kênh Bảo Định ngang qua địa bàn thôn Phú An, nơi đây có tên gọi là Thang Trông (Vọng Thê).
Sách Đại Nam nhất thống chí của Sử quán triều Nguyễn ghi chép tên Thang Trông có từ thời Chánh Thống suất Vân Trường hầu, tức Nguyễn Cửu Vân, cho đắp một chiến lũy dài đi qua khu vực này và đào con hào dẫn nước, lấy đất đầu tiên sau năm 1705. Đó chính là lần đào thứ nhất của dòng kênh lịch sử mang tên Bảo Định hà.
Qua khỏi Phú Kiết, kênh Bảo Định chảy giữa hai thôn làng cổ xưa là làng Tịnh Hà ở bờ đông và làng Tịnh Giang phía bờ tây. Ông Nguyễn Văn Năm, chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, cho biết xã Mỹ Tịnh An ngày nay là sự sáp nhập ba làng Mỹ Trung, Tịnh Hà và An Khương thuộc tổng Thạnh Quơn, quận Bến Tranh từ năm 1925.
Là lớp hậu nhân, nhưng tôi nghe lời ông bà xưa kể lại, tên làng Tịnh Hà (dòng sông yên ổn) xuất phát từ việc đoạn hào nước ở khu vực Thang Trông đến Tịnh Hà là nơi giao thủy (giáp nước) giữa rạch Mỹ Tho và rạch Vũng Gù (Long An) nên thủy triều lình bình, nước chảy không mạnh.
Sách Gia Định thành thông chí ghi chép như sau: "Đến chỗ Vọng Thê (tục gọi là Thang Trông, là chỗ khi đầu dựng cái thang cao để đứng nhắm địa thế đào mở, nhân đó gọi thành địa danh) nước thủy triều giao hội làm chỗ giáp nước, thế nước lênh đênh, khi lên, khi xuống, lại nhiều chỗ quanh quẹo hẹp nhỏ, vậy nên bùn cỏ tích tụ, càng ngày càng bị cạn lấp, thuyền lớn đi đến đây phải đợi nước lên cho đầy thì mới đi được".
Ngày nay, ở Mỹ Tịnh An, tên Tịnh Hà cổ xưa vẫn còn lưu truyền, được lấy làm tên ngôi trường trung học cơ sở và trạm y tế xã.
Xuôi hết địa phận xã Mỹ Tịnh An, kênh Bảo Định chảy vào địa phận tỉnh Long An ở phường Tân Khánh, xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An, rồi chảy qua phường 7, phường 4, phường 3, phường 2, phường 1... trước khi đổ ra sông Vàm Cỏ Tây.
Chợ Bến Tranh xưa đến nay vẫn còn sầm uất - Ảnh: HÙNG ANH
Thủy lộ huyết mạch một thời
Theo các tài liệu lịch sử, trước khi người Pháp đào kênh Chợ Gạo nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây vào năm 1876, kênh Bảo Định là tuyến đường thủy huyết mạch và ngắn nhất để ghe thuyền vận chuyển hành khách, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn, Chợ Lớn.
Từ xưa, ở vàm kênh Bảo Định tại khu vực phường 1, TP Mỹ Tho ngày nay đã có bến tàu khách, tàu buôn đi lục tỉnh hoạt động suốt ngày đêm. Sau khi đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đưa vào sử dụng năm 1885 với ga cuối ở vàm sông Bảo Định, bến tàu lục tỉnh được xem là khu vực trung chuyển hành khách, hàng hóa từ Sài Gòn, Gia Định về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Sau khi kênh Chợ Gạo được người Pháp khánh thành đưa vào sử dụng vào năm 1877, kênh Bảo Định mất dần vị thế số 1, nhưng vẫn được xem là tuyến thủy lộ ngắn nhất đi từ Mỹ Tho đến Tân An.
Theo tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, năm 1974, chính quyền Tân An cho xây cống ngăn nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây chảy vào Bảo Định, nhưng việc lưu thông từ TP Mỹ Tho đến TP Tân An vẫn được duy trì.
Năm 2004, chiếc cống Bảo Định đồ sộ được xây dựng trên quốc lộ 50 thuộc địa phận xã Đạo Thạnh (TP Mỹ Tho) để ngăn nước mặn từ sông Tiền. Đến năm 2012, một cống ngăn mặn lớn tiếp tục được xây dựng trên kênh Bảo Định giữa lòng TP Tân An...
Dù ngày nay hoạt động giao thông trên kênh Bảo Định không còn như xưa, nhưng tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp cho biết vai trò quan trọng của Bảo Định hà vẫn còn lưu dấu trong hàng trăm năm lịch sử. Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902 ghi rõ Bảo Định hà từng là con kênh "được ghe thuyền của người bản xứ ngược xuôi tấp nập".
Nơi kênh Bảo Định tiếp nối sông Vàm Cỏ Tây ở TP Tân An, Long An - Ảnh: HOÀNG NAM
Bảo Định hà là con kênh đầu tiên ở Nam Bộ được đào bằng sức người hai lần vào các năm 1705 và 1819. Đến năm 1867, nó tiếp tục là con kênh đầu tiên ở Nam Kỳ lục tỉnh được người Pháp nạo vét bằng cơ giới xáng cạp, chứng tỏ vai trò quan trọng của dòng kênh trong lịch sử mở mang, phát triển đất phương Nam.
*********
Bên đường có một ngôi cổ miếu nhỏ với bia đá bạc màu thời gian kể chuyện khởi thủy dòng kênh.
>> Kỳ tới: Lai lịch một dòng kênh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận